Ở khối ngành kinh tế, ĐH Ngoại thương hiện có mức điểm sàn cao nhất (23,5 điểm). Trong khi đó, ĐH Kinh Tế - ĐH Quốc Gia Hà Nội công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 23 điểm.
Tuy nhiên, hai mức điểm này đã chênh lệch 3-3,5 điểm so với ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại, chỉ lấy ngưỡng sàn 20 điểm.
Điểm sàn của 35 đại học như sau (bấm vào tên trường để xem):
Điểm sàn chênh lệch
So với các trường tốp đầu, các trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Cần Thơ đặt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào dao động 16-18 điểm. Thậm chí, một số trường chỉ lấy mức sàn 14,5-15 điểm như ĐH Tài chính - Kế toán.
Ở khối công nghệ, kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM lấy điểm sàn cao nhất, mức 23 điểm. Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội phải đảm bảo điều kiện về điểm thi Đánh giá tư duy, điểm thi tốt nghiệp THPT, học lực căn cứ vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT.
ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao, 20-22 điểm (tùy từng ngành). Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức cao nhất là 21 điểm, thấp nhất là 19 điểm.
Trong khi đó, các trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung, ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, ĐH Cần Thơ có mức điểm sàn trong khoảng 15-17 điểm.
Một số trường có sự chênh lệch điểm sàn tùy theo từng ngành. Tại ĐH Công nghệ TP.HCM, Công nghệ thông tin hiện là ngành "hot" của trường, đồng nghĩa với mức điểm sàn cao nhất (19 điểm).
Các ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô, Quản trị kinh doanh, Digital marketing có điểm sàn 18. Các ngành Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện, Thú y có điểm sàn là 17 điểm. Các ngành còn lại lấy mức điểm sàn là 16 điểm. Tương tự, tại ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, điểm sàn các ngành nằm trong khoảng 16-20 điểm.
Ở khối ngành khoa học xã hội, điểm sàn đã có sự chênh lệch rõ rệt giữa các ngành trong một trường. Điều này thể hiện rõ nhất ở mức điểm sàn của ĐH Nội vụ, cao nhất là 22 điểm đối với ngành Quản trị nhân lực, xét tuyển theo tổ hợp C00. Đây cũng là ngưỡng điểm cao nhất ở khối ngành khoa học xã hội.
Tuy nhiên, đối với các ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước xét theo tổ hợp môn D14; chuyên ngành Chính sách công, chuyên ngành Công tác tôn giáo xét tuyển theo khối D01, ngưỡng điểm sàn thấp nhất là 14,5 điểm.
Trong khi đó, các trường tốp đầu như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), mức điểm sàn nằm trong khoảng 15-20 điểm. Các trường có mức sàn 15-19 điểm là Học viện Cán bộ TP. HCM, ĐH Cần Thơ.
Chiều 29/7, Bộ GD&ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và ngành sức khỏe. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng dao động 17-19 điểm.
Ở nhóm ngành sức khỏe, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cao nhất là 22 điểm đối với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt. Các ngành còn lại, mức điểm sàn trong khoảng 19-21 điểm.
Căn cứ vào yêu cầu trên, ĐH Y Dược TP.HCM công bố điểm sàn cao nhất là 23 điểm, thấp nhất 19 điểm. Bốn ngành lấy điểm sàn cao nhất là Y khoa, Y khoa (kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), Răng - Hàm - Mặt, Răng - Hàm - Mặt (kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) với 23 điểm, cao hơn ngưỡng của Bộ 1 điểm.
Cùng ngày, Bộ Công an cũng công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trình độ đại học chính quy tuyển mới là 70 điểm gồm tổng điểm thi 3 môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức thuộc tổ hợp xét tuyển vào các trường CAND (theo thang điểm 100) và điểm thi bài thi đánh giá của Bộ Công an (theo thang điểm 100), không có điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trình độ trung cấp chính quy tuyển mới là 50 điểm (theo thang điểm 100) tương ứng với 15 điểm (theo thang điểm 30), gồm tổng điểm thi 3 môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, thuộc tổ hợp xét tuyển vào các trường CAND, không có điểm liệt theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh cần đặt nguyện vọng yêu thích lên đầu tiên khi đăng ký xét tuyển. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Lưu ý đặt nguyện vọng
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến với số lần không giới hạn.
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức ở mọi trường đại học được xếp thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng một là cao nhất. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký.
Năm nay, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội, dự đoán nếu chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, các ngành xét tuyển khối C sẽ tăng mức chuẩn, trong khi những ngành xét tuyển khối B có dấu hiệu giảm điểm.
PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho rằng việc cạnh tranh vào các trường đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh vẫn còn rất khốc liệt. Để tăng cơ hội trúng tuyển, theo ông Dũng, thí sinh cần đăng ký nhiều nguyện vọng, đặc biệt các em có điểm thi từ 20 đến 24 điểm.
Ông Dũng lưu ý khi đặt nguyện vọng, thí sinh không nên đặt ngành học dễ trúng tuyển lên đầu, mà phải đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng 1 dù các em có điểm xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái của ngành.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cũng khuyên thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc các ngành có điểm chuẩn năm 2021 cao hơn điểm thi của bản thân từ 1 đến 1,5 điểm thì đặt làm nguyện vọng 1, 2.
Những nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nên lựa chọn các ngành học có điểm chuẩn bằng điểm thi. Ở các nguyện vọng cuối cùng, thí sinh hãy đặt ngành học có điểm chuẩn thấp hơn so với điểm thi của mình. Ông Sơn nhận định thí sinh lựa chọn từ 4 đến 6 trường/ngành học để đặt nguyện vọng là đã có khả năng trúng tuyển.
Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.