Chiều 11/7, anh P.C.Đ. (BN8944), 41 tuổi, là chiến sĩ thuộc đội Phòng chống tội phạm Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM, được rời Bệnh viện Chợ Rẫy sau thời gian điều trị Covid-19.
Khá lâu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP.HCM, khoảng sân nhỏ trước sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy, mới rộn rã tiếng nói cười.
Nhiều người không thể tin rằng chỉ cách đây một tháng, anh Đ. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với hệ thống máy móc, dây nhợ chằng chịt, gần như mất ý thức.
"Nhất định phải cứu sống"
Đó là lời chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong ngày tiễn anh Đ. ra viện.
Bác sĩ Linh cho biết đây là một trong số những bệnh nhân mắc Covid-19 có diễn biến rất nặng và tình trạng nguy kịch không thua gì bệnh nhân số 91 (nam phi công người Anh). Nam công an là người đầu tiên điều trị ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Anh đã trải qua nhiều giai đoạn ngặt nghèo, tưởng chừng nguy kịch trong suốt thời gian 4 tuần qua. Chúng tôi đã sử dụng tất cả vũ khí hồi sức hiện đại nhất, từ can thiệp ECMO, thở máy, nhiều đợt lọc máu, nhiễm trùng, có những lúc tưởng chừng như không hy vọng", bác sĩ Linh nói.
Nam công an trong những ngày chạy ECMO, được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Từng trải qua nhiều trận dịch và điều trị cho các bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng, Bắc Giang và Bắc Ninh, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết bệnh nhân Đ. lại là người khiến ông gặp nhiều áp lực trong quá trình điều trị.
"Áp lực điều trị bệnh nhân Covid-19 vốn cũng đã rất nhiều. Nhưng với bệnh nhân này, một người đồng đội đứng trên cùng chiến tuyến chống dịch, không may nhiễm bệnh và rơi vào nguy kịch, điều này đã khiến chúng tôi áp lực càng nhiều hơn. Đó là áp lực nhất định phải cứu sống đồng đội", bác sĩ Linh trải lòng.
Để điều trị cho bệnh nhân này, rất nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy vào cuộc. Theo bác sĩ Linh, với kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân trong giai đoạn trước, đặc biệt là bệnh nhân 91, ông cùng các y bác sĩ đã từng bước đưa chiến sĩ công an giành lại sự sống.
Các điều dưỡng phụ trách chăm sóc bệnh nhân gần như trực chiến suốt 24 giờ để theo dõi sát diễn biến sức khỏe bệnh nhân. Ngày đầu tiên nam công an tỉnh dậy sau một tháng hôn mê, tâm lý hoang mang và bất ổn. Các y bác sĩ lúc này lại trở thành những "chuyên gia tâm lý", trò chuyện và động viên anh vượt qua áp lực.
Sớm trở lại tuyến đầu
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, bệnh nhân Đ. đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 liên tiếp nhiều lần từ 10 ngày trước khi xuất viện. Hiện tại, sức khỏe nam công an ổn định, có thể đi đứng bình thường nhưng vẫn còn mệt khi thở và gắng sức.
Ngày ra viện, anh được đồng đội và đại diện Bệnh viện Công an Thành phố (TP.HCM) đến thăm và động viên. Dù mạnh mẽ và kỷ luật trong công việc, khoảnh khắc được đồng nghiệp vây quanh, anh Đ. không thể kìm lòng.
Chiến sĩ công an (giữa) bắt tay cảm ơn bác sĩ Trần Thanh Linh. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Ngày đầu tiên tỉnh dậy, anh Đ. lập tức hỏi điều dưỡng về tình hình của người thân và đồng đội. Trong khoảnh khắc vừa trở về từ "cửa tử", điều duy nhất nam công an lo lắng là sự an toàn của người thân và đồng đội. Ngày ra viện, giọng nói còn run run chưa rõ tiếng, anh Đ. cảm ơn từng người.
"Thời gian tôi bị nhiễm virus đã ảnh hưởng một số đông chí phải cách ly, ảnh hưởng công tác của đơn vị. Tôi mong các đồng chí thông cảm cho tôi và gia đình, bỏ qua cho tôi vì những thiếu sót. Tôi sẽ rèn luyện sức khỏe và sớm trở về về đơn vị để tiếp tục công tác chống dịch", anh Đ. chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục cách ly tại nhà trong 7 ngày, sau đó tái khám. Dự kiến, nếu hồi phục tốt, trong khoảng một tháng, anh có thể sinh hoạt và trở lại cuộc sống bình thường.
Anh P.C.Đ. là công an phường Phú Trung, quận tân Phú. Từ 28/5 đến 31/5, anh trực tại chốt Bệnh viện quận Tân Phú (nơi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19), được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 1/6 và có kết quả xét nghệm âm tính với SARS-CoV-2.
Từ ngày 1-4/6, bệnh nhân trực ở chốt 128B kênh Tân Hóa. Từ ngày 2/6, bệnh nhân thấy mệt. Đến ngày 4/6, anh bị sốt cao, sau một ngày thì mệt nhiều và khó thở. Ngày 6/6, anh vẫn sốt, mệt và khó thở nên đi khám bệnh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được Bộ Y tế công bố là BN8945.
Chiều cùng ngày, anh nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi và phải can thiệp ECMO. Để giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khi đơn vị này đang hồi sức cho nhiều bệnh nhân nặng, anh Đ. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.