Từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp được ghi nhận thẻ lưu thông tự động bị dán chồng thẻ, dán sai thông tin hay thẻ không qua được trạm khiến nhiều chủ phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông.
Trước đó, chiều 28/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã họp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng gồm Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC), cung cấp thẻ E-tag và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp thẻ ePass để yêu cầu rà soát, chấn chỉnh không để xảy ra hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo” trong thời gian tới.
Nhiều vấn đề phát sinh
Theo ông Bùi Trình, Tổng giám đốc của VDTC, chỉ trong 1,5 năm từ thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ (tháng 12/2020), đã có hơn 1,6 triệu thẻ ePass được dán trên các phương tiện.
Vị này cho rằng khủng hoảng vật liệu và chip ảnh hưởng đến số lượng thẻ được phát hành. Dù các nhà cung cấp đã cố gắng bổ sung để đảm bảo số lượng thẻ được dán đủ cho các phương tiện trước 1/8.
Song, sau quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), số lượng đăng ký dán thẻ định danh tăng đột biến ở cả 2 nhà cung cấp dịch vụ. Số lượng cuộc gọi đến đường dây cũng tăng hơn 5 lần so với trước đây.
Số lượng đăng ký dịch vụ thẻ ETC tăng cao sau thông báo của Bộ GTVT. Ảnh: Vĩnh Phúc |
"Riêng VDTC, số lượng thẻ dán mỗi tháng thời kỳ cao điểm lên đến 100.000 thẻ, 1 tháng có 7 triệu giao dịch và lưu lượng cuộc gọi lên tổng đài có ngày lên đến 20.000 cuộc", ông Trình cho biết.
Đơn vị này cho biết đã bổ sung 1,5 lần nhân sự so với trước đây nhưng vẫn không đủ để đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong tháng vừa qua, VDTC cho biết hiện có hơn 35.000 trường hợp bị dán chồng 2 thẻ ETC. Hàng nghìn trường hợp thẻ ePass sai thông tin.
"Vẫn xuất hiện những hiện tượng nhân viên tại các trạm BOT không áp dụng miễn giảm đối với khách hàng mua thẻ gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất lợi cho nhà cung cấp dịch vụ", ông Trình cho biết thêm.
Các trường hợp xe biển giả, dán chồng biển nhằm gian lận khi qua trạm cũng xuất hiện trong vài tháng trở lại đây. Mỗi ngày, hệ thống vẫn ghi nhận hơn 1.000 biển số trong diện nghi ngờ.
Về phần doanh nghiệp, VDTC cũng thừa nhận có một số lượng nhân viên làm sai "chỉ đạo của công ty", để xảy ra tình trạng nhiều chủ xe không hề đăng ký nhưng vẫn có tài khoản.
Nguyên nhân được lãnh đạo đơn vị này cho là "chịu áp lực doanh số".
Chống tài khoản ảo
Chia sẻ với Zing, phía VDTC cho biết sau khi ghi nhận các trường hợp bị sai lệch thông tin, nhân viên đã liên hệ trực tiếp đến khách hàng nhằm hỗ trợ và sửa chữa nếu có sai sót trong hồ sơ đăng ký.
Theo ông Bùi Trình, hiện số lượng hồ sơ thiếu, sai lệch thông tin trên hệ thống đã được xử lý gần hết, chỉ còn số ít các trường hợp chưa liên lạc được với chủ xe.
Trả lời về trường hợp nhiều tài xế đi hàng trăm km tới văn phòng của VDTC mà vẫn không hủy được tài khoản phát sinh không mong muốn Zing đã ghi nhận sáng 30/7, đại diện doanh nghiệp cho hay hủy tài khoản ETC là việc không thể thực hiện ngay lập tức.
"Tài khoản giao thông cũng là tài khoản sở hữu của một cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các tài khoản có tiền, VDTC cần thời gian kiểm tra giấy tờ đầy đủ, xác minh chủ tài khoản, giao dịch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như tránh khiếu nại, khiếu kiện trong tương lai, lãng phí nguồn lực", vị này chia sẻ.
Phương tiện ùn ú qua trạm thu phí từ 26/7 ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về việc phải đến tận trụ sở để hủy dịch vụ, phía VDTC cũng cho biết đây là cách để bảo vệ tài khoản của người tiêu dùng. Với nhu cầu đăng ký và hủy dịch vụ tăng cao như hiện nay, nếu chỉ thực hiện online thì sẽ không tránh khỏi rủi ro.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng khuyến nghị các thông tin về thủ tục đăng ký, hủy dịch vụ đều được công bố trên website, khách hàng có thể tham khảo thông tin trước khi đến các điểm giao dịch để tránh quá trình hủy tài khoản không được như kỳ vọng.
VDTC cho biết đã xây dựng hệ thống nhằm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đăng ký với chủ xe.
Các trường hợp sử dụng biển số giả, biển số ảo sai lệch với hồ sơ đăng ký cũng được hệ thống đặt trong diện nghi ngờ, được vào danh sách kiểm tra thêm. Từ đó sẽ đưa ra các thông báo tới chủ xe để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
"Với mỗi bộ hồ sơ lỗi, không hợp lệ, nhân viên sẽ lập tức bị phạt tiền khoảng 500.000 đồng. Từ đó giúp nâng cao ý thức hoàn thành trách nhiệm của nhân viên nói riêng cũng như chất lượng dịch vụ nói chung", Tổng giám đốc VDTC khẳng định.