Anh Phan Văn Toàn (32 tuổi, quê Tiền Giang) kết hôn năm 2018, sau một năm không sử dụng biện pháp tránh thai vẫn không có tin vui. Hai vợ chồng lên TP.HCM để khám sức khỏe sinh sản, anh sửng sốt khi được thông báo không có tinh trùng.
Suốt 3 năm, anh Toàn cùng vợ lần lượt đi thăm khám và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 3 lần ở hai bệnh viện khác nhau, trong đó một lần thực hiện vi phẫu tìm tinh trùng (micro-TESE), nhưng đều không có kết quả.
“Cả ba lần các bác sĩ đều khuyên chúng tôi nên xin tinh trùng. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình và cháu đích tôn của cả dòng họ, vợ chồng tôi ai cũng buồn, không thể chấp nhận điều đó. Đã có lần, tôi muốn buông xuôi, bỏ cuộc nhưng vợ động viên, tiếp tục ‘tìm con’”, anh Toàn nói.
Bé trai Phan Lý Đạt sinh non 2,4 kg, sau một tuần chăm sóc tích cực tại khoa NICU BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã có thể trạng tương đương trẻ sinh đủ tháng. |
Tháng 4/2022, vợ chồng anh đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCMC) - để tiếp tục tìm cơ hội có con. ThS.BS Lê Đăng Khoa - Trưởng đơn vị Nam học - cho biết anh Toàn vừa thực hiện micro-TESE ở bệnh viện trước đó một tuần, nên các bác sĩ quyết định chưa vội chỉ định kỹ thuật này cho bệnh nhân trong vòng 3 tháng để tinh hoàn có thời gian hồi phục.
Anh Toàn sau đó được làm xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả 99% tinh trùng bất động, 85% tinh trùng bất thường có đuôi ngắn cụt, 1% tinh trùng đầu nhỏ, không có acrosome (một cấu trúc ở đầu tinh trùng, bản chất là một enzym có tác dụng làm bào mòn vỏ trứng để tinh trùng bơi vào trong thụ tinh với trứng).
“Trong 1% di động còn lại đó, chỉ cần vài con tinh trùng đạt chất lượng là trung tâm chúng tôi tự tin có thể giúp bệnh nhân sớm có con. Đây là ca khó, nhưng chắt chiu từng cơ hội của bệnh nhân là nhiệm vụ của chúng tôi”, bác sĩ Khoa nói.
Bác sĩ quyết định không chờ mổ micro-TESE mà lập tức cho bệnh nhân gom và áp dụng công nghệ trữ tinh trùng số lượng ít. Chiến lược này giúp giảm chi phí, giảm đau đớn/tổn thương tinh hoàn của bệnh nhân so với hướng mổ micro-TESE thêm lần nữa.
Hai tuần sau, trong lần xét nghiệm tinh dịch đồ lần thứ hai, các chỉ số trên của anh Toàn đều có dấu hiệu suy giảm, cảnh báo trong thời gian gần, anh sẽ hoàn toàn cạn kiệt tinh trùng. ThS.BS Lê Đăng Khoa quyết định đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ cho bệnh nhân gom trữ tinh trùng mỗi tuần, trữ thành công 5 mẫu tinh trùng.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Xuân Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng cho người vợ, thu được 10 noãn trưởng thành. Các chuyên viên phòng lab thực hiện rã đông tinh trùng, chọn lọc kỹ càng những “tinh binh” hoàn chỉnh hiếm hoi của anh Toàn, đem thụ tinh trong ống nghiệm với noãn tươi của người vợ, tạo được 3 phôi chất lượng tốt.
Tháng 10/2022, chị Linh, vợ anh Toàn, nhận tin vui mang thai ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên. Đến tuần thai thứ 33, chị vỡ ối, được đưa vào Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu. Các bác sĩ nhanh chóng quyết định phương án giúp em bé chào đời an toàn, dự phòng những rủi ro liên quan tới phổi và hệ hô hấp do sinh non.
Bé trai Phan Lý Đạt 2,4 kg chào đời non tháng, được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức sơ sinh (NICU). Sau gần một tuần, bé được xuất viện với sức khỏe tốt, cứng cáp, tương đương với sức khỏe của một em bé chào đời đủ tháng.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên thăm bé Đạt trước khi bé được xuất viện về nhà cùng bố mẹ. |
Ôm con trong vòng tay, anh Toàn xúc động: “Đã có lúc, vợ chồng tôi tưởng như vô vọng với chỉ định xin tinh trùng, cuối cùng, may mắn đã mỉm cười. Con trai là món quà mà vợ chồng tôi tìm kiếm suốt 5 năm trời”.
Theo bác sĩ Lê Xuân Nguyên, tại IVFTA-HCMC các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nguyên nhân xuất phát từ người chồng rất đa dạng. Nhờ kết hợp điều trị vô sinh nữ, vô sinh nam và Labo ISO 5 hiện đại, công nghệ nuôi cấy phôi tích hợp trí tuệ nhân tạo AI giúp sàng lọc những phôi có sự phân chia bất thường, nhiều cặp đôi đã mang thai thành công, sinh con khỏe mạnh.
ThS.BS Lê Đăng Khoa cho biết, theo thống kê, hiện nay Việt Nam có hơn 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó 40% trường hợp do nam giới. Nguyên nhân có thể từ nhiều nhóm bệnh lý phổ biến như: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh lý nhiễm trùng tiết niệu, các vấn đề rối loạn tình dục hoặc xuất tinh, dị tật bẩm sinh (lỗ tiểu đóng thấp, tinh hoàn ẩn, khiếm khuyết ống dẫn tinh…), bất thường nhiễm sắc thể, suy giảm nội tiết tố/mãn dục…
Nam giới sau một năm sinh hoạt tình dục đều đặn (2-3 lần/tuần), không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có con nên khám sức khỏe sinh sản để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị sớm.
Tại IVFTA-HCMC tùy vào tình trạng bệnh, kết quả thăm khám, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, nội tiết tố, di truyền, siêu âm tinh hoàn… giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn và chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Để phòng ngừa vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Lê Đăng Khoa khuyến cáo nam giới cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Những trường hợp bất thường/dị tật cơ quan sinh sản (lỗ tiểu đóng thấp, cong vẹo dương vật, tràn dịch tinh mạc…) không nên e ngại, trì hoãn điều trị khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, nam giới cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế các yếu tố nguy cơ, bao gồm: Không hút thuốc lá, hạn chế hoặc kiêng rượu bia, không sử dụng các chất cấm, chất kích thích, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, nên nghỉ ngơi thư giãn, vận động thường xuyên cũng như duy trì cân nặng hợp lý.
* Danh tính nhân vật đã được đổi để đảm bảo riêng tư của nhân vật.
Vào 20h thứ 5, ngày 22/6, chương trình tư vấn trực tuyến “Tiến bộ mới trong điều trị vô sinh nam” được phát sóng trực tiếp trên fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm IVFTA-HN; ThS.BS Lê Đăng Khoa - Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm IVFTA-HCMC; ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng lab, Trung tâm IVFTA-HCMC; BS.CKII Vũ Nhật Khang - Trung tâm IVFTA-HCMC.
Bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi tại đây.