Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, chúng ta chỉ cần bỏ ra chút ít thời gian tự tay chuẩn bị, chế biến là đã có các món nước thanh mát, ngon và tốt cho sức khỏe, lại đong đầy tình yêu thương dành cho những người khách quý.
Sâm bí đao
Bí đao (bí xanh) ngoài là món ăn quen thuộc thì còn là vị thuốc có tính mát, giúp tan đờm, giải nhiệt, mát ruột, giải độc gan... Trong bí đao có chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp, không có chất béo, có khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên ăn bí đao, uống sâm bí đao có thể giúp giảm cân.
Sâm bí đao còn được xem là một loại nước mát thơm ngon giúp giải nhiệt và thanh lọc cơ thể. Kết hợp thêm thục địa giúp nước sâm có màu sắc đẹp hơn mà còn bổ tinh, bổ máu, bổ Can Thận, trị các chứng đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, tốt cho tim mạch. Lá dứa giúp nước sâm thơm hơn, còn có tác dụng hạ mỡ máu đã được nghiên cứu.
Nguyên liệu: Một kg bí đao, 10 g thục địa, 15 g đường phèn, 45 g lá dứa, 1/3 muỗng cà phê muối. Mọi người nên chọn bí đao già nhiều phấn để nước sâm được ngon hơn, ít có hậu chua như bí non.
Cách thực hiện:
- Bí đao rửa sạch, không gọt vỏ, cắt khoanh nhỏ, bỏ ruột, sau đó rửa lại với nước. Nấu bí đao cùng 3 lít nước và thục địa. Khi bí gần nhừ, cho thêm lá dứa vào nồi, nấu nhỏ lửa cho đến khi bí nhừ hẳn thì vớt bí ra ép để lấy hết nước. Lược nước sâm lần nữa qua rây để nước trong hơn. Thêm một ít muối để vị nước sâm được đậm đà.
Bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để nước sâm không bị chua, dùng trong vòng 2-3 ngày sau khi nấu. Lưu ý, khi uống sâm bí đao, mọi người cần phải chú ý đến huyết áp vì nước này còn làm tụt huyết áp.
Sâm hoa cúc nhãn nhục
Theo đông y, hoa cúc có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt, an thần. Nhãn nhục có vị ngọt, tính ấm, tác dụng an thần, dưỡng huyết, hỗ trợ tiêu hóa.
Theo nghiên cứu tây y, các vitamin và khoáng chất trong hoa cúc và nhãn nhục giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa, ngừa lão hóa, tốt cho thị lực.
Sâm bông cúc nhãn nhục là sự kết hợp tuyệt vời từ hương thơm của hoa cúc khô, với long nhãn mềm mềm và vị ngọt dịu từ đường phèn tạo thành món nước sâm thanh mát, thơm dịu.
Nước này giúp thanh lọc cơ thể, tinh thần sảng khoái và thư giản. Ngoài ra, tính hàn của hoa cúc hài hòa với tính ấm của nhãn nhục, thêm vị ngọt dịu của cả hai làm tăng thêm tác dụng bổ dưỡng.
Nguyên liệu cho khẩu phần 4 người: 150 g hoa cúc khô, 100 g nhãn nhục, 150 g đường phèn.
Cách thực hiện: Ngâm nhãn nhục và hoa cúc khô trong 2 tô nước riêng biệt khoảng 15 phút. Vớt hoa cúc đã ngâm cho vào nồi đun sôi cùng 1-1,5 lít nước lọc. Khi nước sôi khoảng 10 phút thì vớt bỏ hoa cúc, cho nhãn nhục (cả phần nước ngâm) và 150 g đường phèn vào nồi nước, đun cho đến khi đường tan là được.
Lưu ý: Chỉ nên nấu với lượng vừa đủ dùng vì không thể bảo quản lâu. Có thể dùng nóng hoặc ướp lạnh hoặc để nguội thêm đá lạnh vào dùng rất thanh mát.
Hoa cúc có vị ngọt đắng nấu cùng nhãn nhục có tính ấm là sự kết hợp tuyệt vời cho món giải khát thanh nhiệt, an thần. Ảnh: Pexels. |
Nha đam đường phèn
Nha đam (lô hội) được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn như sinh tố, sữa chua, chè… đặc biệt nước nha đam đường phèn thanh mát cũng khá được yêu thích.
Theo đông y, nha đam có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận hạ, mát gan, kiện Tỳ, sát trùng. Nước nha đam chứa nhiều vitamin, khoáng chất, ngoài công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể còn giúp đào thải độc tố, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, ổn định huyết áp, giảm cholesterol máu, nhuận tràng, chống say nắng, có lợi với da và quá trình giảm cân.
Uống nước nha đam đường phèn có thể cải thiện khàn giọng, đau họng, ho khan ngày Tết nhờ khả năng chống viêm của nha đam. Nha đam giòn giòn cùng với vị ngọt thanh dịu của đường phèn và hương thơm dịu nhẹ của lá dứa sẽ tạo nên một loại nước giải khát tuyệt vời để chiêu đãi ngày Tết.
Nguyên liệu (cho 2 người): Nha đam 500 g (loại tươi ngon), đường phèn 200 g, một bó lá dứa và một ít muối.
Cách thực hiện: Gọt sạch vỏ nha đam, sau đó cắt nhỏ, ngâm trong nước muối loãng rồi vớt ra, rửa lại với nước sạch cho bớt nhớt và ướp đường.
Đun sôi một nồi nước, thêm 200 g đường phèn vào khuấy nhẹ giúp đường nhanh tan, cho bó lá dứa vào nấu chung. Khi lá dứa chuyển màu sậm hơn thì vớt ra. Cho nha đam đã sơ chế trước đó vào trộn đều và tắt bếp.
Nước nha đam đường phèn có thể được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 1-2 tuần hoặc 1-2 ngày môi trường thoáng mát bên ngoài.
Lưu ý: Chỉ nên uống từ 2 đến 3 ly nước nha đam đường phèn mỗi ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày, tránh uống quá nhiều trong một lúc sẽ khiến dạ dày khó chịu.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tuổi không được dùng. Không nên uống song song nước nha đam và thuốc nhuận tràng có thể khiến gan và thận hoạt động quá mức và bị tổn thương.
Nước nha đam giúp thanh nhiệt, giải độc, cải thiện khàn giọng và chống viêm. Ảnh: Pixabay. |
Nước gạo lứt rang
Gạo lứt (thao mễ hay hạt sắc chi mễ) là gạo chỉ xay vỏ trấu, còn giữ nguyên mầm và 7 lớp cám. Theo đông y, gạo lứt có vị ngọt, tính bình, công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng.
Trong lớp cám gạo lứt rất giàu sinh tố và nguyên tố vi lượng, có lợi cho hệ thống thần kinh, ổn định mỡ máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, hạ huyết áp. Lượng chất xơ dồi dào giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng, ngăn ngừa táo bón, nhuận tràng.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép gạo lứt được mang nhãn hiệu “hạt toàn phần” (whole grain) có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và hỗ trợ trị bệnh.
Gạo lứt thường được dùng dưới dạng nấu cơm ăn, rang chín hãm hoặc sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày. Thường vào dịp Tết, chúng ta ăn rất nhiều món giàu chất béo, dầu mỡ hoặc uống rượu bia. Với gạo lứt, không chỉ giúp cơ thể thanh nhiệt mà còn loại bỏ cholesterol có hại, giúp giảm cân và đẹp da, cải thiện lưu lượng máu...
Nguyên liệu: 100 g gạo lứt, 2 lít nước, một ít muối.
Cách thực hiện: Gạo lứt vo sơ để loại bụi bẩn, để vào rổ cho ráo nước. Rang với lửa nhỏ, đảo đều tay đến khi hạt gạo có màu hơi sậm, nở bung và mùi thơm. Lấy gạo lứt đã rang nấu với hai lít nước, đun nhỏ lửa, thêm ít muối, đến khi gạo chín mềm nhưng không nhừ, để nguội rồi lọc lấy nước uống.
Có thể uống nước gạo lứt rang khi còn nóng hoặc để vào tủ lạnh và dùng trong khoảng 2 ngày để phát huy tác dụng tốt nhất. Tránh để quá lâu sẽ bị hư, ôi thiu, không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, với những người bận rộn không có thời gian để nấu như trên, có thể thực hiện cách đơn giản như sau: Đun nước nóng 100 độ C, bỏ phần gạo lứt rang vào bình nước giữ nhiệt tầm 30-40 phút là uống được.
Lưu ý: Nước gạo lứt rang tuy tốt cho sức khỏe nhưng không thể thay thế nước lọc, không nên lạm dụng. Đối với người bình thường, uống từ 1 đến 2 lít mỗi ngày.
Với những người có thể trạng yếu, gầy thì không nên uống thường xuyên. Người bị tiểu đường hoặc dùng quá nhiều nước gạo lứt nên theo dõi các dấu hiệu hạ đường huyết, vì gạo lứt có thể làm giảm lượng đường trong máu.
Sách cho cuộc sống vui khỏe
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.