Nhiều dược liệu có tên gắn liền với "mèo" tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Ảnh: First-nature. |
Tết Nguyên đán 2023 là năm Quý Mão, tức con mèo. Trong y học cổ truyền Việt Nam, những thực phẩm, dược liệu “cầm tinh” con mèo có nhiều tác dụng tuyệt vời trong cuộc sống. Dưới đây là những dược liệu phổ biến liên quan đến mèo.
Táo mèo
Táo mèo hay táo rừng, mác cắm, mác sầm chá được xem là dược liệu quý hỗ trợ bộ máy tiêu hóa. Táo mèo là cây gỗ nhỡ, cao khoảng 5-6 m, cây non cành có gai.
Quả táo mèo hình cầu thuôn, đường kính 3-4 cm, khi chín màu vàng lục, có vị chua hơi chát. Quả táo mèo chín được hái về, thái ngang hay bổ dọc, phơi hay sấy khô.
Theo y học hiện đại, sau khi uống táo mèo, lượng enzym trong dạ dày tăng, giúp cho việc tiêu hóa tốt hơn, lượng acid béo tăng giúp tiêu hóa chất mỡ tốt hơn. Ngoài ra, táo mèo cũng có tác dụng làm hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim.
Bên cạnh đó, táo mèo cũng có hiệu quả trong hạ lipid máu rõ rệt, đồng thời làm giảm xơ vữa động mạch nhờ cơ chế tăng tác dụng bài tiết cholesterol. Táo mèo giúp an thần, làm tăng tính thẩm thấu mao mạch và làm co tử cung.
Theo y học cổ truyền, táo mèo có vị chua, ngọt, hơi chát, tính ấm, quy vào 3 kinh tỳ, vị, can nên có tác dụng kiện vị tiêu thực hóa tích, phá khí, hành ứ, hóa đờm, giải được độc cá. Dược liệu này cũng có thể chữa chứng ăn không tiêu, đau bụng tiêu chảy, sản hậu ứ trệ, đau bụng, nước ối ra không hết, đau tinh hoàn.
Táo mèo là dược liệu có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tiêu hóa, dạ dày. Ảnh: Tracuuduoclieu.vn. |
Trong các thực phẩm, bài thuốc có liên quan táo mèo, rượu táo mèo khá phổ biến. Tuy nhiên, một số trường hợp cần đặc biệt lưu ý khi uống rượu táo mèo, trong đó có phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người mắc bệnh viêm loét dạ dày và tim mạch.
Râu mèo
Râu mèo hay bông bạc, mao trao thảo được xem là thảo liệu quý hỗ trợ điều trị viêm gan - thận, đau khớp, tiểu buốt, tiểu gắt… Cây râu mèo có hoa rất đẹp, hoa mọc thành cụm, phân thành nhiều tầng như cái tháp, nhị và nhụy của hoa tủa ra giống như râu con mèo.
Cây râu mèo chỉ có thể tận dụng được lá hoặc cành. Mặc dù có màu trắng rất đẹp, hoa râu mèo lại mau tàn và không được dùng làm thuốc. Theo y học hiện đại, râu mèo có nguồn flavonoid nên dược liệu sẽ giúp hỗ trợ bài xuất nước tiểu ra ngoài, giảm phù thũng.
Râu mèo cũng hỗ trợ điều trị sỏi thận, gout nhờ hoạt chất orthosiphonin với tác dụng giữ cho muối urat và acid uric ở dạng hòa tan, tăng đào thải oxalate. Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất từ cây râu mèo cũng có tác dụng lợi tiểu, làm tăng sự bài tiết K+ qua nước tiểu (vì thế có thể điều trị bệnh gout).
Bên cạnh đó, một số tác dụng khác của râu mèo có thể kể đến như hạ đường huyết, chống oxy hóa, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, hạ sốt, bảo vệ gan, giảm mỡ máu và chống béo phì.
Nấm tai mèo
Nấm tai mèo hay nấm mộc nhĩ mọc ra ở trên cây gỗ, thân nấm có kết cấu tựa như cao su, tương đối cứng và giòn. Theo y học hiện đại, mộc nhĩ có một số tác dụng như chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng giải độc phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Theo nghiên cứu, mộc nhĩ có khả năng cải thiện thành mạch, giảm mỡ máu, ngăn chặn hình thành mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh tim mạch. Ngoài ra, nấm tai mèo cũng có tác dụng chống viêm, hỗ trợ chống đông máu, hạ đường máu, hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang.
Nấm tai mèo có nhiều tác dụng trong chống oxy hóa, chống viêm, nâng cao đề kháng. Ảnh: First-nature. |
Theo y học cổ truyền, mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, quy kinh Đại trường, Thận, Can, Tỳ, Vị, tác dụng bổ khí huyết, thông mạch, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc tiêu viêm, nhuận táo, lợi trường vị…
Ngoài ra, dược liệu này cũng có thể tác dụng trong điều trị tiểu ra máu, băng huyết, chữa thiếu máu, khái huyết, xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, huyết áp cao, táo bón, suy nhược toàn thân; góp phần điều trị lỵ do nhiệt, đau răng, trĩ ra máu.
Cây mắt mèo
Mắt mèo hay vuốt hùm, móc điều, móc mèo núi là dược liệu chạm chạm vào gây ngứa nhưng chữa bệnh hay. Cây mắt mèo thường mọc thành bụi, thân cành có gai, mặt lá phủ lông mịn, hoa có màu vàng nhạt.
Theo nghiên cứu, trong thân cây mắt mèo có chứa một loại tinh dầu gọi là Urushiol khiến cho ai chạm vào nó sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, chỉ có phần lá và thân mới gây ngứa. Ngược lại, hạt mắt mèo mang lại nhiều tác dụng chữa bệnh.
Theo y học hiện đại, lá và rễ mắt mèo có tác dụng an thần, điều trị mất ngủ, đau nhức người. Hạt có tác dụng chống viêm, đặc biệt là viêm khớp. Mắt mèo có vị đắng, tính hàn. Toàn cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khứ ứ tiêu thũng, sát trùng chống ngứa. Hạt có tác dụng tán ứ, giảm đau, thanh nhiệt, khu thấp.
Chàm mèo
Tên gọi khác là chàm to lá, thanh đại… mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, núi đá và được trồng ở các tỉnh vùng cao ở miền Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... Ngoài công dụng nhuộm vải, chàm mèo còn được biết đến như một cây thuốc quý.
Trong y học hiện đại, chàm mèo có tác dụng tốt trong việc chữa trị ung thư bạch cầu. Rễ chàm mèo chữa viêm não truyền nhiễm, thương hàn, quai bị. Trong y học cổ truyền, lá và rễ chàm mèo đều vị đắng, tính hàn, quy vào 2 kinh can, vị nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết.
Các bài thuốc có chàm mèo hỗ trợ điều trị chứng bệnh cấp tính như sốt cao, nhức đầu, miệng khát, phát ban, chảy máu cam, lỵ, mụn nhọt, mẩn ngứa, viêm họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm amidan, viêm đường hô hấp.
Bài viết do bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cung cấp thông tin.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.