Một số di chứng say rượu có thể gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Ảnh: Pexels. |
Bia rượu thường có hại cho sức khỏe hơn là có lợi, tuy nhiên, với nhiều bữa tiệc tùng ngày Tết ở Việt Nam, đây là đồ uống phổ biến.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với lượng tiêu thụ rượu bia đứng hàng top trong khu vực châu Á, người Việt không chỉ uống nhiều đồ chứa cồn, trường hợp nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Sau khi rượu bia được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu hoạt động đào thải thông qua các con đường gồm tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở và gan (chiếm khoảng 90% vai trò).
Nhưng khả năng của gan có hạn. Nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi say rượu, chúng ta có thể làm giảm triệu chứng bằng cách:
- Uống nhiều nước: Rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước. Uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu và đỡ mệt mỏi hơn.
- Ngủ đủ giấc: Nghỉ ngơi và ngủ sâu giúp khôi phục cơ thể và giảm nhẹ các biểu hiện khó chịu của say rượu.
- Ăn uống đầy đủ: Rượu khiến lượng đường trong máu giảm. Vì vậy, những người sử dụng rượu cần ăn uống đủ để phòng tránh biến chứng hạ đường huyết. Đồng thời, khi đó, lớp thức ăn lót dạ dày giúp bảo vệ niêm mạc, tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo trong thời gian cơ thể xuất hiện triệu chứng say rượu, các dấu hiệu dưới đây có thể là biểu hiện nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi:
- Khó thở hoặc rối loạn nhịp thở
- Da, niêm mạc nhợt nhạt, tím
- Rối loạn nhịp tim
- Lơ mơ, hôn mê, gọi hỏi không trả lời đúng
- Co giật, động kinh
- Nôn mửa nhiều lần.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo để tình trạng nguy cơ say rượu, trong khi uống, nên uống từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa.
Ngoài ra, bạn cũng không nên uống cùng lúc cả rượu bia và các chất chứa caffeine. Rượu làm giảm hoạt động của não, giảm huyết áp, giảm khả năng phán đoán trong khi caffeine gây kích thích tăng huyết áp và nhịp tim. Khi kết hợp cả hai, sự trung hòa giữa chất gây ức chế và chất kích thích không có, có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bị ngộ độc.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.