Theo tạp chí Prevention, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Đây là căn bệnh phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Thông thường, trung bình một người trưởng thành bị cúm 2-3 lần/năm, trẻ em có thể là 6-7 lần.
Nguyên nhân
Bệnh cúm là do virus cúm lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Những virus này lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, bắn các giọt có virus vào không khí. Người ở xung quanh đó có thể dính các giọt bắn này và bị lây nhiễm virus.
Bạn cũng có thể bị cúm khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật có virus và sau đó đưa tay lên miệng, mắt, mũi của mình.
Khi bạn bị cúm, nó có thể lây sang người khác một ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và 5-7 ngày sau khi bị bệnh. Một số trường hợp, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch suy yếu, có thể lây nhiễm bệnh trong thời gian dài hơn.
Người bị cúm có thể lây nhiễm sang người khác khi ho, hắt hơi. Ảnh: Businessinsider. |
Các triệu chứng của bệnh cúm
Theo Mayo Clinic, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), bạn có thể bị sốt (khoảng 37,8-40 độ C) kèm theo cảm giác ớn lạnh, ho, đau họng, đổ mồ hôi, nhức đầu. Hầu hết người bị cúm thường cảm thấy ăn không ngon, mệt mỏi, uể oải, đau nhức cơ bắp.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho, tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả triệu chứng sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần nhưng bạn có thể mất thêm vài ngày để cảm thấy trở lại bình thường.
Tuy nhiên, bạn cần đến cơ sở y tế ngay nếu gặp phải các dấu hiệu khẩn cấp như khó thở hoặc thở gấp, đau ngực, co giật, chóng mặt liên tục. Những triệu chứng khẩn cấp ở trẻ em bao gồm khó thở, môi xanh, đau ngực, mất nước, đau cơ nghiêm trọng, co giật.
Ai có nguy cơ mắc biến chứng do cúm?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh cúm do virus gây ra, vì vậy, nó có thể phát triển thành nhiễm trùng thứ cấp hoặc các biến chứng nghiêm trọng.
Ngoài ra, căn bệnh này diễn ra hàng năm, có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên nhiều người xem nhẹ. Do chủ quan không điều trị hoặc chữa quá muộn, người bệnh dễ bị nặng, gây biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng của bệnh cúm bao gồm: viêm phổi, viêm phế quản, mất nước, vấn đề về xoang, nhiễm trùng tai, bệnh tim, viêm não, viêm mô cơ, thậm chí tử vong.
Những người có vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc hệ miễn dịch yếu: Theo CDC, bạn có nguy cao bị biến chứng do cúm nếu mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh tim, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn), tiểu đường, rối loạn máu, gan hoặc thận. Các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang và tai.
Tiến sĩ Donna Casey, bác sĩ nội khoa tại Texas Health Presbyteria Hospital Dallas (Mỹ), giải thích khi cơ thể đang đối mặt vấn đề sức khỏe mạn tính, hệ thống miễn dịch đã quá tải. Khi đó, hệ miễn dịch có ít khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như cúm.
Điều này cũng xảy ra nếu bạn mắc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như HIV/AIDS hoặc bạch cầu. Ngoài ra, các liệu pháp làm giảm khả năng miễn dịch bao gồm hóa trị, xạ trị hoặc corticosteroid cũng tăng nguy cơ mắc biến chứng do cúm.
Người lớn trên 50 tuổi: Khi bạn già đi, hệ thống miễn dịch gặp khó khăn hơn trong việc chống lại các vi trùng có hại. Khi đó, bạn dễ phát triển các vấn đề sức khỏe mạn tính hơn.
"Điều này làm tăng khả năng mắc bệnh cúm và phát triển biến chứng viêm phế quản, viêm phổi hoặc nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây ra", tiến sĩ Casey cho biết.
Theo CDC, đó là lý do những người trên 50 tuổi được coi là nhóm ưu tiên cao khi tiêm phòng cúm.
Trẻ nhỏ: CDC chỉ ra rằng bệnh cúm có nhiều khả năng diễn biến nguy hiểm hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi). Nguyên nhân là hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang phát triển, chúng không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Điều này làm tăng nguy cơ biến chứng do cúm, dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não hoặc mất nước.
Phụ nữ mang thai: Ngay cả khi hoàn toàn khỏe mạnh, phụ nữ mang thai có thể dễ gặp phải biến chứng do cúm. Mang thai gây ra những thay đổi với hệ miễn dịch, tim và phổi. Điều này khiến phụ nữ mang thai dễ bị viêm phế quản hay viêm phổi.
Hiệp hội Mang thai Mỹ cảnh báo những căn bệnh nhiễm trùng này làm tăng khả năng sẩy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ bị biến chứng nghiêm trọng do cúm. Ảnh: Healthline. |
Cách phòng ngừa bệnh cúm
CDC khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng cúm hàng năm, từ trẻ 6 tháng tuổi trở lên. Thuốc chủng ngừa cúm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, mức độ nghiêm trọng của bệnh và biến chứng.
Tuy nhiên, thuốc chủng ngừa không có hiệu quả 100%. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải thực hiện một số biện pháp để giảm sự lây lan của căn bệnh này.
- Rửa tay: Bạn nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Tránh chạm tay lên mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng.
- Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó, rửa sạch tay.
- Làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào để ngăn ngừa lây nhiễm virus.
- Tránh đám đông: Cúm dễ lây lan ở bất cứ nơi nào mọi người tụ tập như tòa nhà văn phòng, trường học, phương tiện giao thông công cộng. Bằng cách tránh tụ tập nơi đông người, bạn sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Và nếu bạn bị ốm, hãy ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.