Đối với người dân Việt, Tết không chỉ là dịp để những người thân yêu quây quần, sum họp, mà còn là lúc chúng ta nhìn lại cả năm qua.
Ngày đầu năm như đánh dấu cho những đổi thay mới mẻ, những hy vọng mới trong cuộc sống của mỗi người. Bằng câu chuyện ngày Tết, bạn cũng nhận ra mình đã có sự đổi khác.
Từ trẻ con thành người lớn
Đến một tuổi nhất định, chúng ta sẽ phải kêu lên rằng: "Trời ơi, thế là Tết năm nay không có lì xì nữa rồi". Đó chính là lúc người ta nhận ra mình không còn là trẻ con, không còn được hưởng niềm vui mà gặp ai cũng được cho tiền mừng tuổi.
Nhưng không chỉ bởi mất tiền lì xì, Tết đến, bạn còn biết là mình đã lớn bằng những câu chuyện giao đãi đầu năm.
Khi không còn được nhận tiền mừng tuổi đầu năm cũng là lúc bạn chợt nhận ra bây giờ mình đã lớn. Tranh: Minh Tiêu. |
Người quen không còn hỏi bạn chuyện "Năm nay cha mẹ mua cho quần áo mới không?", "Có được đi chơi nhiều không?". Khi bạn đã lớn, cả cha mẹ và họ hàng sẽ hỏi bạn chuyện chọn ngành, chọn trường, chọn việc và cả chọn người yêu.
Bắt đầu cuộc sống sinh viên, đi làm xa nhà
Chỉ khi bắt đầu phải đi học, đi làm xa, người ta mới thấm thía ý nghĩa đoàn viên của ngày Tết. Nhất là cái Tết đầu tiên sau khi xa nhà càng mang nhiều cảm xúc khi trở về.
Bạn cảm thấy sự khác biệt khi thay vì đi chợ sắm quần áo mới, Tết gần kề, bạn phải đau đầu lo lắng chuyện đặt vé tàu xe sao cho thật sớm, sợ bị nhồi nhét.
Sau ngày tháng sống xa quê, ngày cuối năm, ai cũng cố gắng thu xếp công việc, chuyện học hành để được về nhà thật sớm. Không chỉ người ở xa háo hức, mà người ở nhà cũng hết lòng mong ngóng.
Tết đánh dấu sự trưởng thành
Năm đầu tiên có việc làm, chúng ta chính thức trở thành người lớn trong mắt gia đình, có thể tự chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản thân.
Khi trưởng thành, bắt đầu đi làm thì dịp Tết, người ta phải đối mặt với nhiều vấn đề và những câu hỏi đau đầu. Tranh: Minh Tiêu. |
Bạn sẽ cảm thấy sự trưởng thành này rõ ràng hơn vào những ngày đầu xuân năm mới, khi không còn được thoải mái, vô tư như trước.
Cuối năm, người đi làm còn phải tính toán chuyện mua sắm, chuẩn bị cho Tết. Bạn bắt đầu suy nghĩ đến chuyện quà cáp cho họ hàng, tiền biếu cha mẹ, tiền lì xì trẻ con.
Từ độc thân đến người có gia đình
Những cô nàng lần đầu ăn Tết ở nhà chồng có lẽ sẽ cảm nhận được rõ nhất cảm xúc khi mình không còn độc thân nữa.
Sau khi lấy chồng, thay vì chỉ cần chuyện lo mua sắm để ăn diện thật đẹp ngày Tết, bạn bắt đầu phải lo toan rất nhiều việc trong nhà chồng cho dịp Tết trọn vẹn.
Năm mới đầu tiên không cùng đón giao thừa bên gia đình nhà ngoại, sẽ có người cảm thấy chạnh lòng, tủi thân và nhớ nhà. Song đó cũng là lúc họ nhận thấy được bản thân đang bắt đầu cuộc sống mới.
Những cô gái lần đầu ăn Tết ở nhà chồng chắc hẳn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tranh: Tuấn Dũng. |
Xuân đến, Tết về cũng là lúc mỗi người dành thời gian cảm nhận biết bao sự thay đổi trong 365 ngày qua. Từng câu chuyện, dù vui hay buồn, đều góp phần tạo nên chuỗi ngày đáng nhớ. Tại sao không dành thời gian cảm ơn những ai đã đồng hành cùng ta trong năm qua, theo cách hài hước và sáng tạo hơn hẳn mọi năm?
Mời bạn tham gia chương trình "Chúc Tết giải nghiệp" do Zing.vn tổ chức với sự đồng hành của Grab, diễn ra từ ngày 14/1 đến hết ngày 1/2. Người chơi gửi thiệp hợp lệ và sớm nhất sẽ được tặng ngay code Grab trị giá 30.000 đồng. Ngoài ra còn có giải tiền mặt trị giá 2 triệu đồng mỗi giải cho 5 bài dự thi xuất sắc được trao vào cuối chương trình.