Ngày 9/12, phóng sự điều tra của Chuyển động 24h đã làm dư luận xôn xao về sự việc Bệnh viện Xanh Pôn - một trong những bệnh viện lớn nhất của TP. Hà Nội - đã có hành vi cắt đôi que thử nhanh HIV, viêm gan B và trộn chung các mẫu máu khi làm các xét nghiệm này.
Ngay hôm sau, kèm với hành động trốn tránh tiếp xúc với báo chí, Bệnh viện Xanh Pôn đã ra một văn bản thông báo về sự việc. Tuy nhiên, thông báo này được cho là mâu thuẫn và chưa thỏa đáng. Dư luận đặt ra nhiều vấn đề xung quanh sự việc.
Hành động cắt đôi que thử HIV được phanh phui tại BV Xanh Pôn. Ảnh: Chuyển động 24h. |
Có bao nhiêu que thử đã bị cắt?
Trong văn bản thông cáo báo chí, Bệnh viện Xanh Pôn xác nhận sự việc cắt đôi que test chỉ xảy ra với xét nghiệm HIV và trong 3 tháng (9-11) với 40 que thử (thành 80 que với 80 bệnh nhân). Bệnh viện này cũng phủ nhận việc trộn 4 mẫu bệnh phẩm vào một ống xét nghiệm trong khi tiến hành xét nghiệm ELISA như phản ánh.
Tuy nhiên, thông tin từ Phó giám đốc của bệnh viện này là bà Trần Liên Hương, con số và những thông tin bệnh viện vừa phát đi chỉ là những lời khai ban đầu của những cá nhân liên quan ở khoa Vi sinh.
"Chúng tôi chưa thể xác định được có bao nhiêu que test HIV được cắt đôi. Bệnh viện cũng sẽ phải làm rõ tính xác thực của thông tin mà các nhân viên này cung cấp", bà Hương nói.
Khi báo chí tiếp cận, câu trả lời duy nhất của lãnh đạo bệnh viện này là “đang tiếp tục điều tra”. Chỉ sau một đêm, việc bệnh viện đưa ra một bản thông báo “chắc như đinh đóng cột” về các con số và thông tin càng làm dư luận hoài nghi.
Đặc biệt, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, số bệnh nhân đã bị làm xét nghiệm theo hình thức gian lận này nên đi xét nghiệm lại để biết chính xác tình trạng của mình. Do đó, việc điều tra để có được số lượng bệnh nhân chính xác là điều rất quan trọng. GS Trí cho rằng Bệnh viện Xanh Pôn nên chủ động hỗ trợ người dân đi xét nghiệm lại.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, lên tiếng về vụ việc cắt đôi que thử HIV. Ảnh: HQ. |
Mục đích cắt que thử để làm gì?
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn - cho biết bệnh viện này đang sử dụng 2 hình thức test xét nghiệm HIV và viêm gan B. Loại thứ nhất xét nghiệm theo hình thức đấu thầu của bệnh viện, loại thứ 2 là test xét nghiệm của Công ty Lục Tỉnh cung cấp.
Ông này phủ nhận việc trục lợi từ việc "bẻ đôi" que thử HIV, viêm gan B và lý giải rằng video ghi lại cảnh nhân viên của khoa vi sinh cắt đôi que thử xét nghiệm là mẫu test tặng của Công ty Lục Tỉnh. Đây chỉ là thử nghiệm riêng của khoa, độc lập và không phải test xét nghiệm thường quy cho bệnh nhân.
Trên Lao Động, một cán bộ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Lục Tỉnh xác nhận que thử bị cắt đôi là hàng mà đơn vị này nhập khẩu, cung cấp cho đấu thầu.
Tuy nhiên, công ty này chưa bao giờ có khuyến cáo việc thử nghiệm cắt đôi que thử như vậy. “Dù là hàng khuyến mại, hàng mẫu, hàng tặng, hàng làm thật cho bệnh nhân, hàng dùng thử hay bất cứ loại hàng gì cũng không bao giờ được phép cắt ra như vậy vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Chúng tôi không bao giờ đồng ý, càng làm thử nghiệm, chúng tôi càng không bao giờ cho cắt ra. Bởi như vậy, kết quả thử nghiệm sẽ không chính xác thì thử nghiệm để làm gì. Việc cắt ra chắc chắn không được phép" - vị này nhấn mạnh.
Dư luận đặt ra câu hỏi mục đích của việc "thử nghiệm" cắt đôi que thử trái với khuyến cáo nhà sản xuất này là gì nếu không phải trục lợi như lời giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn đã vội vàng phủ nhận?
Ba tháng chỉ có 40 que thử được dôi ra, không nhằm mục đích trục lời thì vì sao các cán bộ xét nghiệm của bệnh viện này lại sẵn sàng vi phạm quy chế chuyên môn, thậm chí vi phạm pháp luật?
Phó giám đốc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bà Trần Liên Hương, trả lời với báo chí trong 5 phút. Ảnh: PV. |
Ai là người chịu trách nhiệm?
Ngay sau khi sự việc bị phanh phui, Bệnh viện Xanh Pôn đã tạm thời đình chỉ công tác 3 nhân viên y tế có liên quan để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xác minh sự việc.
Giám đốc bệnh viện này nói: “Khoa vi phạm do nhận mẫu test tặng của hãng nhưng không báo cáo bệnh viện, sau đó cắt đôi test để làm thử nghiệm cũng không báo cáo. Đây là thử nghiệm không được phép”.
Theo GS Trí, sự việc là một sai phạm rõ ràng và rất nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý chất lượng chưa tốt, để cho lòng tham nảy sinh dẫn tới hành động sai trái.
Theo đánh giá của GS Trí, Bệnh viện Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý chất lượng, gồm nhiều hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày và nhiều công tác khác…
“Rõ ràng có sự buông lỏng quản lý, không ai biết hoặc biết sai vẫn lơ đi. Hoặc có người đã làm sai mà không ai nhắc nhở, cảnh báo để dừng lại. Chứng tỏ công tác huấn luyện đào tạo về chuyên môn, ý thức về xét nghiệm gần như là buông thả”, chuyên gia nhận định.
Với sai phạm này, liệu rằng chỉ có một vài cán bộ bị quay trong video bị xử lý trách nhiệm?
Cắt đôi que thử ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm hay không?
GS Trí đánh giá hai sai phạm gồm cắt đôi que thử thử HIV và trộn 4 mẫu máu lại với nhau tại Bệnh viện Xanh Pôn chắc chắn sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Việc cắt đôi thanh kit sẽ để lọt các trường hợp có tác nhân gây bệnh. Trường hợp nồng độ thấp sẽ bị bỏ sót, gây nên hiện tượng âm tính giả. Nếu tình trạng tiếp tục sẽ có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng lại có kết quả âm tính.
“Khi làm xét nghiệm, rất nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng nồng độ thấp gây âm tính giả. Hai sai phạm bao gồm vừa cắt đôi thanh kit vừa trộn máu phối hợp với nhau sẽ rất nghiêm trọng. Hành động này rất nguy hiểm, làm lọt người nhiễm bệnh, nhất là bệnh nhân HIV”, GS Trí nói. Điều này sẽ càng trở nên nghiêm trọng với căn bệnh HIV. Người bệnh không được phát hiện sẽ truyền bệnh sang những người khác.