![]() |
Với mong muốn con cái thành công, nhiều phụ huynh đã vô tình tạo ra áp lực quá mức lên trẻ. Họ kỳ vọng con phải học giỏi toàn diện, giành nhiều giải thưởng, thi đỗ vào trường danh tiếng hay chọn nghề theo ý mình. Dù xuất phát từ tình thương, nhưng sự kỳ vọng ấy có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, mất phương hướng và giảm tự tin. Chắc chắn không bậc cha mẹ nào mong muốn con mình rơi vào tình trạng như vậy. Huffpost chỉ ra một số dấu hiệu báo động, để phụ huynh chủ động xem xét lại kỳ vọng và áp lực mà họ đang đặt lên con cái. |
![]() |
1. Trẻ né tránh và trì hoãn: Khi phải đối mặt với những nhiệm vụ mà trẻ cảm thấy không thể đáp ứng kỳ vọng - như học tập, thi cử hoặc tham gia các hoạt động do cha mẹ sắp đặt - trẻ có xu hướng trì hoãn thực hiện hoặc cố gắng né tránh hoàn toàn. Đây không đơn thuần là sự lười biếng, mà thường là phản ứng tự vệ trước cảm giác lo lắng, sợ thất bại hoặc áp lực tâm lý kéo dài. Nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên, đó có thể là lời cảnh báo thầm lặng rằng trẻ đang cảm thấy quá tải và cần được lắng nghe, hỗ trợ đúng cách. |
![]() |
2. Trẻ không thể phục hồi: Nếu con bạn thường xuyên tỏ ra thiếu tập trung, uể oải hoặc dễ cáu gắt, rất có thể con đang thiếu thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Bên cạnh giấc ngủ, trẻ còn cần những khoảng lặng trong ngày để tái tạo năng lượng. Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba khuyên cha mẹ nên quan sát và nhạy bén với nhu cầu nghỉ ngơi của trẻ, nhận biết con cần bao nhiêu thời gian và hình thức nghỉ ngơi nào là phù hợp nhất với trẻ. |
![]() |
3. Trẻ làm cho có: Một dấu hiệu cho thấy trẻ đang chịu áp lực từ bên ngoài là khi chúng tham gia hoạt động nhưng không thực sự đầu tư. Dù có khả năng, trẻ không tỏ ra hứng thú hay nỗ lực, chỉ làm cho xong nhiệm vụ thay vì muốn tiến bộ. Đó có thể là biểu hiện của sự mệt mỏi, căng thẳng hoặc mất động lực nội tại. Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ nên cân nhắc lại kỳ vọng, lắng nghe con và cho con cơ hội nghỉ ngơi hoặc tự lựa chọn con đường phù hợp hơn. |
![]() |
4. Cha mẹ quan tâm thành tích hơn là trẻ: Khi con học kém và tỏ ra thờ ơ, cha mẹ thường muốn gây áp lực để con cố gắng hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này dễ phản tác dụng, đặc biệt với trẻ vị thành niên. Khi cha mẹ quan tâm đến thành tích hơn cả con, sự lệch lạc trong mục tiêu có thể khiến con mất tự tin, né tránh hoặc phản kháng. Thay vì ép buộc, hãy bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện cởi mở để hiểu con hơn và tìm giải pháp phù hợp. |
![]() |
5. Trẻ mất đi niềm vui: Nếu con bạn tỏ ra miễn cưỡng, uể oải mỗi khi đến giờ tham gia một hoạt động, đó có thể là dấu hiệu con không còn hứng thú nữa. Nhiều bậc cha mẹ dễ bị cuốn vào kỳ vọng khi thấy con có cơ hội tỏa sáng mà quên mất những hoạt động này là tùy chọn, không phải nghĩa vụ. Hành vi và thái độ của trẻ chính là tín hiệu dễ thấy nhất. Nếu con không còn vui vẻ hay cảm thấy tự hào với những gì mình làm, có lẽ đã đến lúc cha mẹ nên lắng nghe lại cảm nhận thật sự của con. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.