Ngày 23/7, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết có nhiều bị cáo trong vụ đâm chết người đưa bạn đi cấp cứu đã kháng cáo, không nhận tội Giết người.
Họ gồm: Trần Văn Tiến (18 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng), Trịnh Chí Tâm (49 tuổi), Trịnh Chí Tuyền (20 tuổi, con của Tâm), Lê Minh Công (29 tuổi) và Lâm Phú (29 tuổi, cùng ngụ huyện Mỹ Xuyên).
Các bị cáo này kêu oan, cho rằng không có ý chặn xe của bị hại Liên Tấn Tài (27 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên) để Trần Ngọc Hiếu (35 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên) ra tay giết người nên tòa án cấp sơ thẩm xử họ tội Giết người là bất hợp lý. Theo các bị cáo, do Tài với người đi cùng cầm hung khí chạy đến nên Hiếu đã dùng chĩa “tự vệ” khi thấy nạn nhân ném thanh kiếm về phía Tâm, Tuyền.
Trước đó, ngày 6/7, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên xử bị cáo đầu vụ là Trần Ngọc Hiếu mức án tù chung thân; Tiến, Tâm, Tuyền, Công và Lâm Phú mỗi người lĩnh từ 12-15 năm tù.
Vụ án này còn có 8 bị cáo Gây rối trật tự công cộng, mỗi người lĩnh từ 18 tháng đến 4 năm tù.
Trần Ngọc Hiếu (áo xanh) bị kết án tù chung thân. Ảnh: Việt Tường. |
Theo bản án sơ thẩm, do mâu thuẫn với nhau từ nhiều ngày trước nên đêm 10/10/2019, Hiếu cùng Tiến, Tâm, Tuyền, Công và Lâm Phú đến khu vực cầu Đình của thị trấn Mỹ Xuyên để giải quyết mâu thuẫn với nhóm của Huỳnh Phi Long (25 tuổi, còn gọi là Quậy). Sau khi hai bên chém nhau loạn xạ, Hiếu cùng nhóm bạn bỏ về nhà trọ.
Vài phút sau, Liên Tấn Tài chở hai người bị thương ra bệnh viện. Lúc này, Tài chạy xe máy nhưng cầm kiếm, Long cầm dao tự chế.
Khi đến đoạn nhà trọ của Hiếu, Tài ném thanh kiếm về phía đối phương thì bị Hiếu dùng cây chĩa (thanh sắt có đầu nhọn) đâm vào ngực tử vong khi cố gắng chạy đến Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên.
Tại tòa, một số bị cáo cho rằng không cầm dao như các cơ quan tố tụng quy kết. Các luật sư cho rằng hành vi giết người của Trần Ngọc Hiếu là đơn lẻ, không có đồng phạm nên chưa đủ căn cứ buộc tội Giết người đối với Tiến, Tâm, Tuyền, Công, Phú.
Theo luật sư Nguyễn Hùng Việt (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng), lời khai của một số bị cáo tại tòa mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra. Việc thực nghiệm điều tra không được tiến hành tại hiện trường vụ án và thời điểm thực nghiệm không cùng thời điểm xảy ra vụ án.
Luật sư Việt cũng chỉ ra việc cơ quan điều tra không cho các bị cáo đối chất với nhau nên HĐXX cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, theo HĐXX sơ thẩm, mặc dù các bị cáo không bàn bạc trước chuyện chặn xe của Tài nhưng trước đó đã thống nhất ý chí dùng hung khí vào cầu Đình để chém nhau với nhóm của Phi Long.
"Khi thấy ánh đèn xe của bị hại Tài chạy ra thì các bị cáo một lần nữa thống nhất ý chí với nhau là sẽ chặn xe lại và chém những người trên xe... Cho nên, Tiến, Phú, Công, Tâm, Tuyền phải chịu trách nhiệm cùng Hiếu đối với cái chết của bị hại", bản án sơ thẩm nêu.
Trao đổi với Zing, người làm chứng Trịnh Chí Tính cho biết lời khai thấy nhiều người cầm dao trước đó không đúng. Thực tế Tiến, Phú, Công, Tâm, Tuyền không cầm hung khí.
Anh Tính cho biết khi được cơ quan điều tra mời tham gia thực nghiệm hiện trường là tại trại tạm giam chứ không phải nơi xảy ra vụ án.