Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

5 bước đối diện với biến động và vượt qua căng thẳng

Trong dịch Covid-19, không ít người cảm thấy lo lắng khi cuộc sống có nhiều biến chuyển. Sự chấp nhận và nỗ lực thích nghi sẽ phần nào xoa dịu tâm lý, giúp bạn lạc quan lúc này.

doi dien voi bien dong va vuot qua cang thang anh 1

Trong dịch Covid-19, không ít người cảm thấy lo lắng khi cuộc sống có nhiều biến chuyển. Sự chấp nhận và nỗ lực thích nghi sẽ phần nào xoa dịu tâm lý, giúp bạn lạc quan lúc này.

Theo Insider, não thường đưa ra quyết định tương lai dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ. Khi chúng ta trải nghiệm một sự kiện hoàn toàn mới như dịch bệnh, việc não thiếu thông tin là một trong những nguyên nhân gây hoang mang.

Mặc dù không thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại, bạn có thể tập kiểm soát cảm xúc của mình với một vài gợi ý sau. Đây đồng thời là cách tránh kéo dài stress và bảo vệ sức khỏe tâm thần.



Thực hành chánh niệm

Khi những vấn đề tiêu cực vây quanh, thực hành chánh niệm là cách tốt nhất để bạn mở cho mình một khoảng lặng cần thiết. Đây là lúc bạn có thể hít thở sâu, tập trung vào hiện tại và quyết định cách phản ứng, theo Mindful.

Gertrude Lyons, nhà tâm lý học, gợi ý bạn 3 bước tiếp cận đơn giản:

  • Chọn tư thế thoải mái, thả lỏng, mắt nhắm hờ
  • Hít thở sâu và chậm rãi, cố gắng không nghĩ đến chuyện khác ngoài bản thân
  • Tập trung vào các giác quan, tự trả lời bạn đang nghe thấy gì, ngửi thấy gì, và tay bạn đang cảm nhận ra sao

Mỗi lần bắt đầu hồi hộp, lo lắng, bạn có thể kéo mình trở lại thực tại và bình tĩnh hơn bằng thói quen này.

_____



Tập trung vào điều có thể kiểm soát

"Hãy buông bỏ những gì ngoài tầm tay", Tiến sĩ tâm lý Rebecca Sinclair nói với Insider, "liên tục cập nhật tin tức, buồn rầu, lo lắng không thay đổi hoàn cảnh mà trái lại gia tăng cảm giác sợ hãi."

Thay vào đó, bạn có thể tận dụng thời gian đầu tư cho bản thân, gia đình, công việc và các mối liên hệ quan trọng. Bên cạnh việc giúp tâm trạng trở nên tốt hơn, sức khỏe thể chất của bạn cũng sẽ cải thiện trông thấy.

Đôi khi, cuộc sống có những biến động mà bạn không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận. Theo Sinclair, chấp nhận một sự việc không có nghĩa bạn phải cố gắng yêu thích nó, nhưng hãy xem nó như một phần của cuộc đời và bước tiếp.

_____



Trò chuyện với người đáng tin cậy

Nếu bạn đã bị stress nhấn chìm đến mức không biết nên làm gì, thì có lẽ bạn cần ai đó lắng nghe. Bởi nói về cảm xúc căng thẳng là bước đầu để vượt qua nó, theo Verywell Mind.

Về khía cạnh khoa học, nghiên cứu của UCLA kết luận những buổi tâm sự chân thành có xu hướng làm giảm các phản ứng sợ hãi, lo sợ hoặc tức giận bên trong não.

Dù người ngoài cuộc không thể giúp bạn giải quyết vấn đề, họ có thể cho bạn quan điểm và ý tưởng một cách khách quan. Từ đó, bạn có thêm lựa chọn xử lý câu chuyện của mình.

_____



Sinh hoạt điều độ

Tâm lý căng thẳng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, ăn uống quá nhiều hoặc quá ít. Sức khỏe "xuống cấp" lại tiếp tục kéo tâm lý tệ hơn.

Để tránh vòng luẩn quẩn này, cách tốt nhất là bạn rèn luyện bản thân sống theo thời gian biểu cụ thể, như ngủ vào cùng thời điểm mỗi ngày, thức dậy vào một giờ nhất định mỗi sáng.

Ở thời điểm không có điều gì chắc chắn, bạn càng nên chắc chắn về lịch trình của mình. Thói quen này giúp bạn hạn chế tình trạng "thả trôi" và sớm ổn định tinh thần.

_____



Học biết ơn mỗi ngày

Biết ơn từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ phần nào đẩy lùi nỗi lo, theo Real Simple.

Nói một cách khác, thay vì chú tâm vào những bất ổn, bạn có thể tập thay đổi góc nhìn và thừa nhận những lợi ích bất ngờ nó mang lại.

Ví dụ, ở nhà nhiều nghĩa là bạn có thêm thời gian với người thân, tập thể dục và chủ động trong nấu nướng.

Đọc những tin tích cực cũng là cách bạn thư giãn đầu óc và tìm niềm vui giữa khó khăn. Không phải thông tin nào cũng có ích, hãy chọn lọc trong việc tiếp nhận để bảo vệ tâm trạng của mình.

Thiên Hân

Bạn có thể quan tâm