1. Phụ nữ mang thai và cho con bú
Theo Webmd, mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, việc ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết.
Bên cạnh đó, chúng cũng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
2. Người bị bệnh huyết áp thấp
Khổ qua là thực phẩm có tác dụng giảm huyết áp, chính vì thế ăn quá nhiều sẽ dẫn đến huyết áp thấp, gây đau đầu, chóng mặt. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có huyết áp thấp, nên hạn chế sử dụng loại rau quả này.
Những người bị huyết áp thấp không nên ăn mướp đắng. Ảnh: Organicgarden. |
3. Người bị bệnh tiểu đường
Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khi bạn đang uống thuốc để hạ thấp lượng đường, việc ăn thêm mướp đắng có thể hạ mức đường trong máu xuống thấp hơn mức cho phép. Vì vậy, nếu ăn mướp đắng, bạn cần phải theo dõi hàm lượng đường thường xuyên.
4. Người bị bệnh thiếu men (enzyme) G6PD
Đây là bệnh di truyền phổ biến do cơ thể không đủ men glucose-6-phosphate giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Người bệnh có thể bị thiếu máu, đau đầu, sốt, đau dạ dày, thậm chí bị hôn mê hơn sau khi ăn mướp đắng.
Ngoài ra, độc tố vicine trong mướp đắng có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gây ra triệu chứng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
5. Người vừa phẫu thuật
Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.