Nhận thưởng là điều đáng vui mừng, có điều nếu không có kế hoạch cụ thể, chúng ta dễ phân loại nó thành "tiền dễ kiếm, tiền từ trên trời rơi xuống" mà tiêu pha vào tiêu sản.
Đồng ý rằng, ai cũng có quyền tự thưởng sau thời gian làm việc chăm chỉ và cực nhọc. Tuy nhiên, việc lấy hết tiền thưởng Tết mua sắm, thực tế, lại không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Thay vào đó, bạn có thể nghiên cứu và phân bổ tiền dư vào các hạng mục bên dưới. Cách này vừa giúp khoản thưởng có chỗ trong kế hoạch quản lý tài chính dài hạn, vừa giúp bạn không "hụt hẫng" khi kỳ nghỉ qua đi.
Ưu tiên thoát nợ trước khi thoát ế
Tết là thời điểm người người bắt đầu than ế. Dù vậy, chưa có người yêu dắt về nhà vẫn còn đỡ hơn việc "dắt nợ" về nhà thay thế.
Vay tiền để tiêu có thể khiến bạn vui trong phút chốc, nhưng nợ về lâu dài sẽ giống một mối lương duyên oan trái, đuổi mãi chẳng đi.
Do đó, nếu bạn đang có các món nợ thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, hãy ưu tiên trích phần lớn tiền thưởng để trả, đặc biệt là khoản mang lãi suất cao.
Nợ nần càng kéo dài càng có nguy cơ phạm vào lương cứng ở các tháng tiếp theo. Đừng để một lần ăn Tết lớn mà cả năm ăn mì tôm, không đáng.
Lập khoản để dành lúc khẩn cấp
Ở đời, không ai biết trước các tình huống cần tiền bất ngờ như ốm đau, nghỉ việc,... xảy ra lúc nào. Điều chúng ta có thể làm là tự chuẩn bị tốt để vững tâm ứng phó với chúng.
Lý tưởng nhất là mỗi người dự phòng từ 3 tháng lương trở lên.
Để tập tành tích lũy, bạn có thể trích ra vài triệu đồng trong tiền thưởng vừa nhận và gửi vào sổ tiết kiệm. Khi có việc cần kíp mai này, đây sẽ là khoản "cứu cánh" hiệu quả.
Bắt đầu kế hoạch đầu tư dài hạn
Trước thềm năm mới, bạn cũng nên thử thách bản thân để trưởng thành hơn về kỹ năng tài chính. Cụ thể là học đầu tư để chào đón những cột mốc lớn hơn của đời mình như du học, mua xe, mua nhà, kết hôn,...
Năm nay, bạn có thể dành một phần lương trước Tết làm tiền đề cho kế hoạch đầu tư của mình.
Trên thị trường có rất nhiều lựa chọn đầu tư cá nhân, chỉ cần một số tiền nhỏ hàng tháng, hàng năm là bạn đã sẵn sàng khởi động.
Người nhanh nhạy và chịu khó dành thời gian tìm hiểu có thể bắt đầu chơi cổ phiếu, tiền mã hoá. Hoặc, bạn lựa chọn đầu tư vào các chứng chỉ quỹ để ổn định và an toàn hơn.
Từ đầu năm, hãy đặt mục tiêu kiên trì và sau vài tháng, vài năm, bạn sẽ thấy thành quả mà những món đầu tư này mang lại.
Đăng ký bảo hiểm sức khoẻ
Nếu có một điều tích cực mà đại dịch dạy chúng ta thì đó chính là "sức khoẻ phải luôn được bảo vệ".
Có thể bạn tin rằng mình còn trẻ và khỏe nên xác suất bị bệnh sẽ nhỏ, nhưng nhỏ không đồng nghĩa với không có.
Đề phòng vẫn hơn. Bạn sẽ thảnh thơi chữa lành vết đau của cơ thể nếu biết rằng lúc bệnh, bảo hiểm đã giúp mình chi trả tiền khám và viện phí.
Giống như có kế hoạch B chống lưng, việc mua hợp đồng bảo hiểm sức khỏe từ Tết cũng giúp bạn giảm bớt nỗi lo "nếu lỡ như..." hàng ngày.
Hiện tại, các sản phẩm bảo hiểm đã có loại kết hợp với đầu tư, nghĩa là tiền của bạn sẽ chẳng mất đi đâu mà còn sinh sôi sau vài năm.
Làm từ thiện
Sau 2 năm chống dịch, cuộc sống quanh ta lại có thêm không ít mảnh đời cần đến sự giúp đỡ. Nếu được, bạn hãy dành một phần nhỏ tiền thưởng Tết để bảo bọc các hoàn cảnh khó khăn hoặc ủng hộ tổ chức phi chính phủ uy tín.
Cho đi dù chỉ một chút thôi cũng là cách rất tốt để mang lại cái Tết bình yên hơn cho người khác, đồng thời sưởi ấm thêm cho ngày Tết của chính mình.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không đại diện cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Các nội dung trong bài không phải khuyến nghị đầu tư.