Nhiều người có IQ cao nhưng lại đầu tư rất tệ. Lý do là họ không kiểm soát được cảm xúc và để cảm tính ảnh hưởng lên quyết định của mình.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp khác F0 ở chỗ họ biết khi nào nên đưa quyết định khách quan, biết cách tránh các bẫy tâm lý tác động. Hiểu được cách cảm xúc chi phối mình là bước đầu của việc quản trị chúng.
Sa đà vào việc tái xác nhận quyết định đã đưa ra
Confirmation bias (thiên kiến xác nhận) xảy ra khi chúng ta liên tục tìm kiếm thông tin nhằm củng cố các quyết định mình đã đưa ra. Mục đích là tự trấn an rằng bản thân đang đi đúng hướng.
Xu hướng tự nhiên của con người là không muốn phạm sai lầm. Tuy nhiên, việc tái xác nhận thông tin có thể khiến bạn bị che mắt, không nhận ra bức tranh toàn cảnh của thị trường, từ đó bỏ qua những rủi ro hay cơ hội đầu tư tốt hơn.
Một ví dụ dễ hiểu là bạn dốc toàn lực đầu tư vào một nhóm cổ phiếu khi truyền thông rôm rả đưa tin. Sau khi mua, bạn thường đọc các nội dung phân tích tương lai xán lạn của mã ngành ấy mà quên rằng, việc cân nhắc đà tăng trưởng ấy ngắn hạn hay lâu dài cũng quan trọng không kém.
Bạn vui vẻ với lựa chọn của mình cho đến khi thị trường "quay xe" và bạn thoát không kịp lúc.
Hoặc, bạn từng nghe chuyện phiến diện về tư vấn bảo hiểm và sinh ác cảm với nó, vì vậy bỏ qua dịp "đào" sâu hơn để biết thêm lợi ích từ các loại hình khác nhau.
Mọi vấn đề luôn tồn tại tối thiểu hai mặt. Để khắc phục confirmation bias, bạn nên cố gắng tìm hiểu những thông tin đi ngược lại nhận định ban đầu của mình.
Quyết định hấp tấp vì bội thực thông tin
Hàng ngày, nhà đầu tư bị tấn công bởi rất nhiều thông tin từ các bình luận tài chính, group đầu tư, diễn đàn chứng khoán,...
Giữa một biển tin tức, information bias (thiên kiến thông tin) xuất hiện và thúc giục chúng ta tiếp nhận, đánh giá ngay cả nội dung vô ích. Nguyên nhân đa phần là ta chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo để phân loại tin đáng giá và tin "nghe cho vui".
Ví dụ, việc giá cổ phiếu biến động hàng ngày thường không chứa thông tin liên quan đến triển vọng trung dài hạn của một khoản đầu tư. Việc xem xét phải dựa trên cơ sở thời gian nhất định và tùy theo phong cách đầu tư, khẩu vị rủi ro của bạn.
Nếu quyết định dựa trên biến động ngắn hạn của giá, bạn có thể vô tình bán các khoản đầu tư tốt do giá giảm và mua khoản đầu tư xấu do giá tăng.
Muốn hạn chế bị nhiễu trước thông tin thừa, cách tốt nhất là bạn bỏ qua các bình luận mỗi ngày về giá.
Phân biệt tiền dễ với tiền khó
Hiểu nôm na, mental accounting (kế toán nhận thức) là việc bạn đối xử những khoản tiền khác nhau, dựa trên cách bạn kiếm được chúng.
Giả sử bạn nhận 10 triệu đồng tiền lương dự án mà mình đã thức khuya dậy sớm để làm. Vì là tiền mồ hôi nước mắt, bạn trân quý nó và đưa ngay vào sổ tiết kiệm để giữ của, kiếm lãi.
Nhưng, nếu 10 triệu đồng trên đến từ một người quen gửi cảm ơn vì đã tạo network giúp họ, khả năng cao bạn sẽ xem nó là "tiền dễ dàng" và lập tức đi mua sắm.
Thực ra, tiền nào cũng là tiền bất chấp nguồn gốc kiếm khó hay dễ. Do đó khi đầu tư, bạn nên nghiêm khắc tuân theo kế hoạch tích lũy, tránh việc tiêu hoang những món tiền nhàn rỗi.
Sợ mất tiền
Loss aversion (không thích thua lỗ) là lý do nhiều người tìm cách giảm thiểu rủi ro dù lợi nhuận có thể đáng giá. Đối với nhóm này, nỗi đau của việc mất tiền lớn hơn niềm vui kiếm tiền.
Loss aversion cũng giải thích nguyên nhân mà không ít cá nhân chọn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư. Thậm chí lúc đầu tư, họ cũng đi theo chiến lược tránh lỗ hơn sinh lời.
Tạo một chiến lược đầu tư và cam kết với nó là hướng khắc phục. Nếu bạn thuộc tuýp người ngại mất mát, hãy thử đầu tư vào quỹ mở một khoản tiền hàng tháng. Khoản này nên ở mức nhỏ để dù mất đi bạn cũng không đau lòng.
Sau một thời gian thấy số ra số vào, mức độ chấp nhận rủi ro của bạn phần nào sẽ được cải thiện; bạn bớt áp lực trước các biến động của giá cả.
Không muốn đứng ngoài cuộc chơi
Đây có lẽ là trạng thái tâm lý phổ biến nhất ở F0 của thị trường trading. FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) là hành vi bầy đàn. Nó hiện hữu khi ai đó quyết định mua bán dựa trên đám đông thay vì dữ liệu tài chính.
Ví dụ, khi hầu hết bạn bè đầu tư vào cổ phiếu A, bạn có thể sẽ mua nó dù chưa hiểu rõ. Nhìn thấy đồng nghiệp kiếm tiền đầu tư vào tiền số, bạn bồn chồn khi mình còn ngồi bên lề, chưa trải nghiệm cùng.
Xu hướng muốn bước theo người khác là dễ hiểu, bởi nó khiến chúng ta cảm giác an toàn, ít sợ hãi hơn đứng một mình.
Dù vậy, FOMO có thể đẩy vấn đề đi rất xa, như việc tạo những bong bóng thị trường lớn như bong bóng thị trường hoa tulip Hà Lan, bong bóng Dot-Com, bong bóng bất động sản giữa những năm 2000,...
Bong bóng rồi sẽ vỡ tung. Vì thế, trước khi tham gia đầu tư vào bất cứ đâu, bạn nên dành thời gian và công sức xem xét một cách cẩn thận.
Chỉ quan tâm lợi ích ngắn hạn
Chúng ta có xu hướng thiên về lợi ích và phần thưởng tức thì vì chưa học được cách nhìn xa trông rộng.
Cụ thể, một người dành dụm được 500 triệu đồng và dự định sinh lời. Nếu bỏ vào đầu tư đất đai, tiền có thể bị chôn chặt và vài năm sau mới nhìn thấy lợi ích.
Cảm thấy không an tâm, họ cho hết số tiền ấy vào tiết kiệm. 6-12 tháng sau, họ nhanh chóng cất túi một khoản lãi nho nhỏ.
Vấn đề là với lãi suất ngân hàng hiện tại, tiền lời trong 12 tháng đó không thể bằng tiền lời mà đất sinh ra. Nếu nhẫn nại, họ đã có thể sở hữu lợi nhuận cao hơn.
Trong trường hợp đầu tư chứng khoán hay tiền số, việc tập trung quá nhiều vào lợi ích ngắn hạn dễ tạo sự lo lắng thường xuyên. Tâm trạng bạn trồi sụt theo đường di chuyển trên bảng điện; và với tâm lý không vững vàng, bạn hoàn toàn có thể đưa quyết định kém khôn ngoan, sáng suốt.
*Bài viết thể hiện quan điểm của riêng người viết, không đại diện cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào. Các thông tin trong bài không phải khuyến nghị đầu tư.