Tập thể dục khi mang thai giúp bạn có trải nghiệm lành mạnh hơn. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Huffpost, nhiều người không dám tập thể dục trong suốt thời gian mang thai vì lo sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn và em bé. Sai lầm này khiến những người mang thai không tập thể dục theo cách tốt nhất cho họ.
Tập thể dục là một phần quan trọng trong hành trình mang thai của mọi người. Theo Đại học Sản phụ khoa Mỹ, tập thể dục khi mang thai giúp giảm tỷ lệ sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và một số bệnh khác.
Lầm tưởng 1: Tập thể dục nguy hiểm cho bạn hoặc em bé
Người sáng lập ứng dụng thể dục Brooke Cates cho biết: "Tập thể dục trong quá trình mang thai không chỉ an toàn mà rất có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé.
Huấn luyện viên thể dục cho phụ nữ mang thai Jessie Mundell cho biết: "Việc tập thể dục trong thời kỳ mang thai là an toàn, được khuyến khích cho sức khỏe của người mang thai và thai nhi".
Để thiết lập kế hoạch tập thể dục phù hợp, phụ nữ mang thai cần kiểm tra trước với bác sĩ, huấn luyện viên thể thao và cập nhật thường xuyên cho họ về các thay đổi trong cơ thể trong suốt thời gian tập.
Lầm tưởng 2: Nhịp tim nên duy trì dưới 140 nhịp mỗi phút
Huấn luyện viên thể dục cho phụ nữ mang thai Jessie Mundell nói: "Một quan niệm sai lầm lớn là nhịp tim của bạn không nên vượt quá 140 nhịp mỗi phút khi tập thể dục trong thai kỳ. Thay vì theo dõi nhịp tim, hãy đánh giá cảm giác gắng sức của chúng ta khi tập luyện bằng thang đo RPE".
Thang đo RPE được sử dụng để đo cường độ tập thể dục. Thang điểm RPE chạy từ 0 đến 10. Con số càng lớn thể hiện mức độ khó của bài tập và sự cố gắng của cơ thể. Ví dụ: 0 (không có gì cả) sẽ là cảm giác của bạn khi ngồi trên ghế, 10 (rất nặng) là cảm giác của bạn khi kết thúc bài tập phải gắng sức hoặc sau một hoạt động rất khó khăn.
Trong hầu hết trường hợp, bạn nên tập ở mức 3 (vừa phải) đến 4 (hơi nặng). Khi sử dụng thang đánh giá này, hãy nhớ bao gồm cả cảm giác khó thở, cũng như mức độ mệt mỏi ở chân và toàn bộ cơ thể.
Theo các chuyên gia, chạy bộ khi mang thai là an toàn nếu phụ nữ nắm rõ thể trạng cơ thể. Ảnh: Live Science. |
Lầm tưởng 3: Chạy và nhảy không an toàn
Theo huấn luyện viên thể dục Jessie Mundell, các bài tập như chạy hoặc các động tác đòi hỏi phải nhảy thường an toàn cho phụ nữ mang thai có thai kỳ khỏe mạnh.
“Có thể có một khoảng thời gian mọi người cảm thấy khó chịu ở bụng, trong bụng hoặc ở sàn chậu và bỏ qua bài tập chạy, nhảy. Tuy nhiên đối với một số người, họ vẫn ổn khi chạy và nhảy trong từng giai đoạn của thai kỳ”, huấn luyện viên Jessie Mundell nói.
Việc chạy và nhảy phụ thuộc vào từng người. Lĩnh vực này yêu cầu bạn lắng nghe cơ thể để nhận thấy những thay đổi. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng sức khỏe thai kỳ để lựa chọn bài tập vận động phù hợp.
Lầm tưởng 4: Tập thể dục như trước khi mang thai là không an toàn
Người sáng lập ứng dụng thể dục Brooke Cates cho biết nhiều người tin họ cần ngừng tập thể dục theo cách quen thuộc ngay khi mang thai.
Nếu bạn yêu thích CrossFit (chương trình tập luyện ngắt quãng cường độ cao), bạn chỉ cần sửa đổi các bước di chuyển hoặc điều chỉnh động tác khi cần thiết. Điều phụ nữ mang thai nên làm là chia sẻ với huấn luyện viên về tình trạng sức khỏe thai kỳ để có các lựa chọn thay thế phù hợp.
Vận động nhẹ trong quá trình mang thai là rất cần thiết nếu bạn không thể chạy hoặc nhảy. Ảnh: Vecteezy. |
Lầm tưởng 5: Không nên tập thể dục trong khi mang thai nếu trước đó bạn không có thói quen này
Huấn luyện viên Jessie Mundell cho biết một lầm tưởng khác mà cô nghe được là những người mang thai không nên bắt đầu bất kỳ hoạt động hoặc bài tập mới nào trong thai kỳ, điều này không đúng.
Nếu bạn hoàn toàn không tập thể dục trước khi mang thai nhưng muốn bắt đầu, điều đó cũng không sao. Miễn là bạn được bác sĩ cho phép tập thể dục và cảm thấy thoải mái khi thử chế độ tập thể dục mới, điều này hoàn toàn ổn. Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai nên nghiên cứu các bài tập trước khi thực hiện.
Tập thể dục khi mang thai rất có giá trị, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn cho hành trình phía trước đồng thời giảm căng thẳng mà bạn có trong suốt thời gian mang thai.
Điều quan trọng là phải cởi mở với bác sĩ về thói quen tập thể dục của bạn trong suốt thai kỳ. Đặc biệt bạn cần tránh xa bất kỳ bài tập nào mà bác sĩ cho là không phù hợp với bạn và em bé.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.