Mỗi vùng trên thế giới có cách chế biến sốt xanh khác nhau. Ảnh: Tasting Table. |
Sốt chấm xanh là loại gia vị tươi, thường có mùi thơm và cay. Mỗi vùng đều có công thức và các biến thể sốt riêng. Có nơi sử dụng nguyên liệu đơn giản, nơi khác cầu kỳ hơn, họ cho thêm thảo mộc tươi hoặc các nguyên liệu địa phương để tạo sắc xanh của sốt. Điểm chung là đều có màu xanh, nguyên liệu tạo mùi thơm nồng, toát lên sự hấp dẫn, thu hút thực khách.
Muối ớt chanh Nha Trang
Với một số người dân phố biển, mỗi khi nhắc đến loại nước sốt ăn kèm với các món hải sản, muối ớt chanh phải được đề cập đầu tiên. Thành phần trong sốt khá đơn giản, bao gồm nước cốt chanh, ớt hiểm xanh, đường và muối.
Để tăng thêm độ sệt của sốt, nhiều người dùng sữa đặc thay cho đường, lúc này sốt sẽ mang độ ngọt dịu, màu xanh tươi bắt mắt. Ngoài hải sản, loại sốt này có thể dùng kèm thịt nướng.
Muối ớt chanh Nha Trang thường dùng kèm với hải sản. Ảnh: Phạm Tuấn Tú. |
Sốt guasacaca - bản nâng cấp của bơ xay ở Venezuela
Guasacaca khá mịn, có dạng kem. Loại sốt này được tạo thành từ hỗn hợp bơ nghiền, hành lá, tỏi, rau mùi, rau mùi tây, nước cốt chanh, muối, tiêu, ớt và một ít giấm. Người dân Venezuela thường cho một ít dầu trong khi trộn để tạo độ đặc như mong muốn.
Guasacaca được dùng để ăn kèm các món như thịt nguội, bánh empanadas, món bánh phô mai - tequeños, khoai tây và bánh ngô arepas (được người dân dùng hàng ngày), cũng như tostones - món chuối chiên kiểu Venezuela.
Ở Mỹ cũng có một loại sốt tương tự, thường gọi là guacamole. Tuy nhiên, phiên bản sốt bơ xay ở Venezuela có kết cấu lỏng và mịn hơn guacamole ở Mỹ.
Sốt guasacaca được ăn kèm với bánh nachos và chuối chiên kiểu Venezuela. Ảnh: Host The Toast, Chili Pepper Madness. |
Sốt mì xanh của Peru
Tên gốc của sốt là tallarines verdes Peruanos, nghĩa là mì xanh của người dân Peru. Đây là phiên bản khác của sốt pesto (Italy). Người Italy du nhập sốt xanh vào quốc gia này từ những năm 1800.
Người Peru thêm nguyên liệu địa phương để tạo loại sốt riêng. Cụ thể, họ thêm rau chân vịt để tạo sắc xanh cho sốt thay vì chỉ dùng một loại là húng quế như người Italy. Hơn nữa, sốt xanh của Peru cần phải nấu chín và thường được trộn cùng với mì spaghetti.
Sốt xanh ở Peru được nấu chín sau đó phủ lên mì spaghetti. Ảnh: The Genetic Chef, Brasa Peruvian Kitchen. |
Sốt chermoula ở Marocco
Ẩm thực Marocco nổi tiếng với việc sử dụng các loại gia vị có màu sắc rực rỡ cùng hương thơm đặc trưng, sốt chermoula là một ví dụ.
Hỗn hợp nước sốt được dùng để chế biến cá, thịt và rau. Bạn có thể thêm tỏi tươi và các loại thảo mộc để tạo độ thơm, nâng trải nghiệm của sốt. Bên cạnh việc sử dụng như một loại sốt để chấm, chermoula còn được dùng để phết lên bề mặt món ăn hay thêm vào các món hầm.
Chermoula có nhiều loại, bao gồm phiên bản màu đỏ có ớt bột hoặc tương ớt harissa, màu vàng được làm từ nghệ. Chermoula xanh được chế biến bằng cách nghiền rau mùi, rau mùi tây, tỏi, muối, thì là và dầu olive.
Sốt chermoula có thể ăn kèm với cá. Ảnh: Crate & Barrel, Cooktoria. |
Salsa verde - sốt truyền thống của Tây Ban Nha
Trong tiếng Tây Ban Nha, salsa verde có nghĩa là nước sốt xanh. Đây là loại nước chấm truyền thống của người dân nơi đây.
Sốt được sử dụng trong các công thức nấu cá và hải sản như cá tuyết, nghêu và thịt viên cá tuyết sốt xanh. Giống với phiên bản nước sốt xanh của Peru, salsa verde cũng cần được nấu chín.
Nhiều người thường nhầm lẫn loại sốt này với sốt cà chua tomatillo salsa verde của Mexico. Tuy nhiên, theo chuyên trang về ẩm thực của Tasting Table, phiên bản sốt xanh của Tây Ban Nha không liên quan đến loại sốt của Mexico. Cả hai loại chỉ có cùng cách gọi.
Món cá kết hợp với salsa verde của Tây Ban Nha. Ảnh: El Mundo Eats. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.