Quận 7 được mệnh danh là "khu phố Hàn Quốc" thu nhỏ tại TP.HCM. Ở một số khu vực, du khách sẽ có cảm giác như lạc giữa xứ sở kim chi khi nhìn loạt bảng hiệu tiếng Hàn lớn nhỏ. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để bạn trải nghiệm món ăn nổi tiếng như mì lạnh, gà hầm sâm, lẩu nấm, canh kim chi, kimbap…
Một vài người bạn Hàn Quốc giới thiệu các quán chuẩn vị và tôi đã có dịp thử 3/5 địa chỉ trong danh sách này. Bạn có thể tham khảo món ngon và đổi vị trong ngày làm việc tại nhà.
Đúng như tên gọi, Chicken TALK chuyên phục vụ món gà chế biến kiểu Hàn Quốc như rán giòn, sốt cay, phô mai, chua ngọt...
Tiệm gà giới thiệu họ sử dụng thịt gà mát thay vì nguyên liệu cấp đông trong chế biến. Khi cắn miếng đầu tiên, tôi có thể cảm nhận độ tươi, phần da giòn bao phủ lớp thịt mềm bên trong. Nhiều loại sốt đa dạng là điểm cộng. Mì sốt tương đen, tokbokki, rong biển cuộn chiên hay kimbap... giá dao động 50.000-140.000 đồng/món cũng là những món ăn kèm thú vị.
Trong 5 quán tôi đề cập, địa chỉ này xuất hiện trên nhiều nền tảng giao món online nhất. Điều này có lợi cho thực khách trong việc lựa chọn app nhiều ưu đãi và khuyến mãi hơn khi đặt món.
Lần này, tôi thử gọi set gồm gà rán phô mai, gà sốt ngọt giá 360.000 đồng về nhà. Phần ăn được tặng kèm tokbokki, rau trộn và rong biển cuộn chiên nên ăn đỡ ngán. Quán sử dụng bột phô mai và rong biển vụn phủ lên gà rán, đem lại hương vị thơm bùi, hợp miệng. Song, phần sốt quá ngọt so với khẩu vị của tôi.
Trong một lần ăn tại quán trước dịch, tôi cũng thử 2 món gà chiên hành paro và gà rán không xương sốt mật ong. 2 người bạn từng du học ở Hàn Quốc của tôi nhận xét hành paro mùi nồng vì nấu kỹ, trong khi sốt mật ong không ấn tượng.
Một số thực khách phàn nàn vì thời gian giao hàng chậm, cùng khu vực quận 7 nhưng bạn có thể phải đợi hơn 30 phút mới nhận món, đồ ăn cũng không còn nóng.
Muốn ăn mì tương đen, thịt heo chiên bột trộn sốt, mì cay hải sản ngon, chuẩn vị Hàn Quốc, bạn có thể lưu lại Truyền thuyết Champong.
Trước khi giãn cách xã hội, tôi có ghé cùng đồng nghiệp. Không gian quán rộng nhưng bàn ghế hơi nhỏ, chỗ ngồi của khách với bếp không có vách ngăn nên mùi thức ăn len lỏi khắp quán. Phần mì tương đen khá đầy đặn, nhiều sốt và thịt ba chỉ thái nhỏ. Tương đen nêm nếm hơi ngọt nhưng không bị đắng, đối với tôi điểm trừ là có quá nhiều hành tây.
Nhiều thực khách cũng tìm đến đây vì muốn thưởng thức mì Champong lấy cảm hứng từ ẩm thực Trung Hoa, với thịt heo, hải sản và các loại rau củ... Món mì của quán có chất riêng khi sử dụng nhiều sò huyết, vẹm tươi, cay nồng, hợp khẩu vị người Việt.
Quán chủ yếu phổ biến trong cộng đồng người Hàn nên không có nhiều thông tin trên ứng dụng bản đồ cũng như mạng xã hội. Đợt dịch, bạn chỉ có thể đặt hàng qua app giao hàng trực tuyến, nhìn chung khá bất tiện.
Với các món ăn thanh mát, giải nhiệt, Mì Lạnh Yoochun được nhiều tín đồ sành ăn lui tới vào ngày hè.
Tô mì giá 120.000-140.000 đồng, trong đó, Chogye Myeon là món signature nên thử khi ghé đây. Nước dùng mì nấu từ đậu nành với xương gà kèm vài miếng lê ngọt tạo nên hương vị thanh mát và thơm. Tuy vậy phần thịt gà xé hơi khô và ít.
Không chỉ có mì lạnh nguyên bản, quán cũng có biến tấu với phiên bản mì lạnh trộn. Phần nước dùng được để trong một chén nhỏ, nhìn chung cách thưởng thức tương tự món hủ tiếu khô Việt Nam. Nước dùng thơm mùi bò và giấm, tuy nhiên tôi không thích phần đá vụn còn sót lại. Thực khách không ăn cay nên lưu ý với nhân viên vì phần tương ớt đi kèm khá nhiều.
Ngoài mì lạnh, quán còn phục vụ các món truyền thống Hàn Quốc như canh chả cá, bánh xếp (mandu) hấp và đồ nướng đa dạng.
Quán đóng hộp khá kỹ lưỡng khi khách mua mang về. Nước dùng mì lạnh được đóng hộp riêng, ép nylon đảm bảo, đồ nướng chỉ giao nguyên liệu chưa chế biến. Phí giao hàng tận nơi được tính dựa theo khoảng cách. Nếu ở gần nhà hàng (dưới 5 km), bạn phải trả chừng 20.000 đồng.
Ở tầm giá mềm hơn, Sung Won House là gợi ý dành cho bạn. Quán ăn này được nhiều người Hàn Quốc ghé thưởng thức khi đến Việt Nam.
Chủ người Hàn nên dễ hiểu cách nêm nêm ở đây "chuẩn vị" với mì tương đen, mì trộn cay, mì gói Mandu, cơm trộn giá dưới 100.000 đồng/món. Thời gian qua, vấn đề giá cả và chất lượng đồ ăn bị nhiều người phàn nàn. Thái độ phục vụ của nhân viên cũng gây tranh cãi.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, quán không mở bán trực tiếp, bạn có thể đặt món qua app giao hàng trung gian.
Tôi mua về phần tokbokki, canh rong biển, cơm cuộn thịt bò. Ngon nhất có lẽ là canh rong biển, tokbokki có bánh gạo và bánh cá không hợp khẩu vị, cơm cuộn thịt bò khiến tôi hụt hẫng vì lượng đồ ăn ít.
Đồ được gói sạch sẽ, phần ăn ship tới không bị đổ ra ngoài nhưng sử dụng quá nhiều hộp nhựa.
Mattna Gamjatang chuyên món Gamjatang, hay còn gọi lẩu sườn cay, được nấu từ xương sống heo, khoai tây, rau củ, hành lá, ớt cay và mè xay nhuyễn.
Phần ăn 500.000 đồng đủ cho 2 người. Ưu điểm món lẩu là sườn nhiều, có sẵn miến, khoai tây và rau tía tô trong nồi nhưng nước dùng khá cay. Anh bạn du học sinh Hàn Quốc của tôi nhận xét kim chi ở đây chuẩn vị nhất trong các nhà hàng từng thử tại TP.HCM vì hơi tái chứ không chín như người Việt thường ăn.
Ngoài ra, quán còn nổi tiếng với món Budae Jjigae gồm xúc xích, phô mai và nước lẩu cay truyền thống. Bạn có thể thử món PPyeo jjim với phần xương sống lợn xào giá Hàn Quốc chồng cao, đặt con bạch tuộc lên trên trông khá ấn tượng.
Tuy vậy, thương hiệu Mattna không quá quen thuộc với thực khách Việt. Bạn chỉ có thể gọi điện đặt món trực tiếp hoặc mua trên một ứng dụng phổ biến trong cộng đồng người Hàn. Giá món không chênh lệch so với ăn tại nhà hàng.
Thực đơn quán chỉ có tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, nhân viên Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu món cho khách.