Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 sức mạnh tinh thần cần có để thành công

Chuyên gia tâm lý người Mỹ đưa ra 5 sức mạnh tinh thần giúp chúng ta tăng cường trí tuệ cảm xúc, xây dựng mối quan hệ gắn bó với người khác, phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống.

Theo CNBC, nhà tâm lý học Jody Michael đã chỉ ra 5 loại sức mạnh tinh thần mà ta cần để đạt được thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào. Bà cho biết: "Trong khi một số người thành công đã làm chủ được các 'cơ bắp' tinh thần nhưng phần lớn mọi người vẫn có chưa có được 5 loại sức mạnh tinh thần này".

suc manh tinh than anh 1

Sức mạnh tinh thần đóng vai trò quan trọng trong thành công của con người. Ảnh: Help Guide.

5 loại sức mạnh tinh thần

1. Khả năng chịu trách nhiệm

Trách nhiệm cá nhân không liên quan đến những hoạt động hàng ngày như đến nơi làm việc hay để con luyện tập bóng chày đúng giờ. Khả năng chịu trách nhiệm thể hiện ở mức độ cao hơn như:

- Bạn ngừng đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh vì cảm xúc bạn trải qua và những việc đã xảy ra.

- Bạn hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm của mình trong các kết quả nhận được, ngay cả khi bạn nhận thấy những nguyên nhân tiềm ẩn khác dẫn đến vấn đề.

- Bạn giữ những gì chính xác thuộc về mình và để người khác sở hữu những gì là của họ.

2. Niềm tin hữu ích

Hầu hết chúng ta nghĩ niềm tin của mình là sự thật. Nhưng thật ra, chúng chỉ là một loạt các giả định. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thử nghiệm, thăm dò, thử thách và cố gắng tìm ra niềm tin mới.

Bạn có thể áp dụng các góc nhìn hữu ích sau:

- Góc nhìn hợp tác: Đó là hướng suy nghĩ "Tôi thắng khi bạn thắng". Mọi người có thể không nhận được mọi thứ mình muốn nhưng chúng ta đều cảm thấy được lắng nghe và là một phần của tập thể.

- Góc nhìn khả năng: Góc nhìn này cho phép bạn lùi lại một bước và tạm thời gác tất cả chướng ngại vật, vấn đề hoặc nghi ngờ qua một bên để bản thân tự do tưởng tượng về kết quả hoàn hảo.

- Góc nhìn cơ hội: Ngay cả trong những lần tranh cãi, xung đột, bạn có thể tự hỏi bản thân: "Làm thế nào để tôi có thể tìm được một cơ hội trong bất kỳ tình huống nào mình đối mặt?".

3. Khả năng tự đánh giá

Bạn có thể tự đánh giá chính xác tình trạng của bản thân không? Đánh giá về những nội dung đang diễn ra trong đầu mình, tâm trạng, cảm xúc và những cảm giác vật lý.

Giả sử, bạn đang có tâm trạng rất tệ. Với sức mạnh tự đánh giá, bạn có thể biết mình đang trải qua cảm giác thất vọng, giận dữ, lo lắng, đau đầu. Việc này giúp bạn quản lý, điều chỉnh cảm xúc và phản ứng với các sự việc gây kích động về mặt cảm xúc tốt hơn.

4. Giữ quan điểm đa chiều

Mọi người thường cố gắng chứng minh lập trường của mình là đúng. Tuy nhiên, khi có thể nhìn thấy nhiều quan điểm khác biệt, bạn có khả năng hiểu, xem xét các ý kiến trái chiều.

Khi bạn đánh giá cao và chấp nhận những quan điểm khác với bản thân, bạn có thể tạm gác cuộc tranh luận mà không cần xác định ai đúng, ai sai.

Lúc đó, bạn vượt ra ngoài sự rạch ròi giữa trắng - đen, đúng - sai, cái này hay cái kia. Chuyên gia tâm lý Jody Michael cho rằng mọi người nên luyện tập kỹ năng ngưng đánh giá và chấp nhận tính đa dạng, phức tạp, các khoảng xám cũng như sự phức tạp của màu xám cũng như những vấn đề có thể chưa được biết đến.

5. Bình tĩnh

Chúng ta thường đánh giá thấp về sức mạnh của bản thân khi trải qua cảm giác căng thẳng hay đau buồn cũng như khả năng điều chỉnh tâm trạng.

Sự thật, chúng ta thực sự có thể tác động lên hệ thống thần kinh của chính mình. Mặt trái là trong một số trường hợp, chúng ta khiến cảm xúc tiêu cực càng thêm trầm trọng. Nhưng nếu áp dụng tốt, chúng ta lại có thể tự trấn an bản thân, lấy lại bình tĩnh.

Thực tế, mọi người chỉ cần thực hiện những động tác đơn giản như hít thở sâu, thả lỏng cơ là có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc khi bị kích động hay đe dọa.

suc manh tinh than anh 2

Luyện tập các kỹ thuật giúp bình tĩnh khi bạn rơi vào những tình huống khó chịu. Ảnh: Pexels.

Trắc nghiệm nhanh về sức mạnh tinh thần

Áp dụng bài trắc nghiệm nhanh bên dưới để có cái nhìn chung về sức mạnh tinh thần của bạn. Bạn chỉ cần đọc và chọn đáp án phù hợp nhất với mình khi bạn ở trong tình huống bị kích động.

A. "Tôi vẫn kích động": Cảm giác bị quấy rầy, kích động vẫn tồn tại.

B. "Tôi có thể thoát khỏi phản ứng kích động này": Nhưng bạn chỉ có thể thoát khỏi trong chốc lát rồi nhanh chóng cảm thấy bực bội trở lại.

C. "Tôi thoát khỏi phản ứng kích động trong vòng vài phút": Bạn thay đổi góc nhìn và cảm thấy đỡ hơn.

D. "Tôi không còn cảm thấy khó chịu trong một tình huống không vui": Bạn ý thức được chuyện gì đang xảy ra và coi nó chỉ là một việc nằm ngoài dự đoán.

E. "Không có đáp án nào ở trên phù hợp với tôi": Bạn không chắc là bản thân đã xử lý xong cảm giác kích động hay thậm chí bạn không có cảm giác đó.

Nếu bạn chọn đáp án A, B hoặc E:

Mức độ khỏe mạnh về tinh thần của bạn giống với hầu hết mọi người. Bạn đang ở vạch xuất phát, và điều này là bình thường. Ta cần thời gian để tăng cường sức mạnh tinh thần.

Chọn đáp án E cho thấy bạn vẫn đang ở chế độ bắt đầu. Bạn hầu như giải quyết các yếu tố, sự việc gây kích động đến bản thân bằng cách né tránh. Những người có sức khỏe tinh thần mạnh mẽ có sự nhận thức về bản thân cao và họ biết chính xác họ đang làm gì để quản lý tâm trạng của mình.

Nếu bạn chọn đáp án C:

Đáp án này cho thấy bạn rõ ràng đã thực hiện một số hành động để tăng sức khỏe tinh thần của mình. Ít nhất bạn đang ở mức độ phát triển tinh thần một cách vừa phải.

Nếu bạn chọn đáp án D:

Bạn đã có sức mạnh tinh thần vững chắc. Nếu bạn có thể nắm giữ sự thay đổi này trên tất cả phương diện của cuộc đời mình, mức độ sức khỏe tinh thần cao sẽ có lợi cho bạn trong nhiều tình huống thử thách.

5 dấu hiệu bạn có mối quan hệ độc hại

Trong một mối quan hệ, khi bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và không được người kia tôn trọng, đó là thời điểm cần đánh giá lại tình bạn này.

Thanh Vy

Bạn có thể quan tâm