5 trường Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018 của QS lần lượt là ĐH Quốc gia Hà Nội (139), ĐH Quốc gia TP.HCM (từ vị trí 147 lên 142), ĐH Bách khoa Hà Nội (từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300), ĐH Cần Thơ (từ nhóm 251-300 xuống 301-350) và ĐH Huế (từ nhóm 301-350 xuống 351-400).
ĐH Quốc gia Hà Nội xếp vị trí cao nhất trong số các trường đại học Việt Nam có trong danh sách. Ảnh: Lê Hiếu. |
Hai vị trí đầu bảng đều thuộc về đại học của Singapore. Trong đó, ĐH Công nghệ Nanyang lần đầu soán ngôi quán quân của ĐH Quốc gia Singapore.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc - KAIST (Hàn Quốc), ĐH Hong Kong (Trung Quốc), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Phục Đán (Trung Quốc), Đại học thành phố Hong Kong (Trung Quốc), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)
Bảng xếp hạng năm nay mở rộng thêm 50 trường so với năm ngoái. Trong đó, 250 trường đầu tiên được xếp theo thứ hạng. Các trường còn lại được xếp vào các nhóm gồm 10-50 trường.
Năm nay, nhằm đáp ứng sự gia tăng số lượng trường cũng như thích ứng với sự thay đổi từ thị trường lao động, tiêu chí về sự đánh giá của người sử dụng lao động được điều chỉnh, chú trọng hơn đến quan điểm của chủ lao động trong nước.
Thời gian hiệu lực của số lần trích dẫn, bài báo khoa học cũng được kéo dài. Cụ thể, danh tiếng học thuật có trọng số lớn nhất (40%). Danh tiếng của sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng (hay đánh giá của người sử dụng lao động đối với cựu sinh viên) chiếm 10%.
Tỷ lệ giảng viên/sinh viên chiếm 20%. Số bài báo khoa học công bố/giảng viên có trọng số 20%. Tỷ lệ giảng viên nước ngoài và tỷ lệ sinh viên quốc tế lần lượt có trọng số 5%.
Bảng xếp hạng trường đại học của QS do Quacquarelli Symonds - công ty giáo dục và du học ở Anh - bình chọn và công bố. Đây được coi là một trong những căn cứ đáng tin cậy trong quá trình học sinh, đặc biệt du học sinh, chọn trường.