Bệnh trĩ, hay còn gọi là lòi dom, được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn bị giãn quá mức. Người mắc bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ và rất dễ chảy máu.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm- Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng, đây là chứng bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Tại Việt Nam, cứ 10 người lại có 5 người mắc bệnh trĩ và hiện đứng trong danh sách nước có tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao nhất thế giới.
“Người mắc bệnh trĩ rất khổ sở khi đứng lên ngồi xuống, đi lại nhiều hoặc khi đi vệ sinh. Tại vết thương hậu môn, hiện tượng chảy máu, chảy nước hay có mùi hôi rất dễ xảy ra khiến cuộc sống ảnh hưởng không nhỏ”, chuyên gia này nói.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm- Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng đã chữa trị cho hàng nghìn người mắc bệnh trĩ. Ảnh: Nguyễn Vũ. |
Thậm chí, ông Nhâm cho biết, ông từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng, phần hậu môn lúc nào cũng “nở hoa” vì các búi trĩ xổ ra ngoài. Dù bệnh nhân có phẫu thuật cắt bỏ, các búi trĩ sẽ lại phát triển và xuất hiện trở lại. Vậy nên, việc một số cơ sở quảng cáo chữa khỏi bệnh trĩ 100%, chuyên gia này khẳng định: bệnh trĩ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người mắc trĩ có thể đỡ khi điều trị nhưng hoàn toàn có thể tái phát nếu không tuân thủ các yêu cầu về bệnh.
Chưa rõ nguyên nhân mắc trĩ nhưng bác sĩ Nhâm cho biết, với những người có tiền xử táo bón, viêm trực tràng hay phải ngồi nhiều, ít vận động dễ mắc bệnh hơn những người khác.
“Bệnh trĩ không phân biệt về giới tính, không phân biệt người nông dân với anh giám đốc. Đặc biệt, phụ nữ có thai, người trên 40 tuổi, thợ may, nhân viên văn phòng, cánh lái xe… là những người có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất”, ông Nhâm nói.
Tuy bệnh trĩ không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng bác sĩ Nhâm cho biết, có thể phòng tránh và hạn chế tái phát bằng chế độ sinh hoạt lành mạnh như: Tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày; điều chỉnh thói quen ăn uống, tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà; uống nước đầy đủ; ăn nhiều rau quả; vận động thể lực đều đặn…
Đối với những bệnh nhân đã mắc trĩ, khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm cho biết, việc vệ sinh tại chỗ bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút rất hiệu quả, giúp người bệnh dịu nhẹ cơm đau, giảm nhiễm trùng, phù nề.
Nếu bệnh ở thể nhẹ, chỉ cần điều trị bằng phương pháp uống thuốc thông thường. Ở thể nặng hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thủ thuật như chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, phẫu thuật cắt trĩ…
“Tất cả các phương pháp điều trị trĩ chỉ có tính chất tạm thời, các búi trĩ hoàn toàn có thể tái phát nếu ăn uống vô độ. Bởi thế, trĩ còn được coi là bệnh của bàn tiệc”, bác sĩ Nhâm nói.