"Lĩnh vực thứ hai là ngân hàng và cho thuê tài chính", Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP HCM tổ chức chiều 8/3.
Hai lĩnh vực còn lại chính là việc giải tỏa mặt bằng, đền bù tái định cư. Cuối cùng lĩnh vực quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở các phường xã.
Hủy án nhưng không phục
Trong khi đó, ông Lê Minh Trí, Phó trưởng ban Nội chính trung ương, cho rằng tham nhũng khó phát hiện, nếu phát hiện rồi cũng khó xét xử với nhiều lý do. Để phòng chống cần giám sát, quan tâm cán bộ tốt hơn, không được để cán bộ giữ các chức vụ trong lĩnh vực dễ tham nhũng lâu.
"Người đứng đầu phải làm gương, tăng cường giám sát cán bộ mình quản lý. Cơ quan công an và Viện kiểm sát phải xử lý tới nơi tới chốn tin tố giác tội phạm tham nhũng", ông nói.
Phó giám đốc Công an TP HCM, thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại Hội nghị . Ảnh: H.Bình. |
Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng cho rằng án tham nhũng phát hiện rất chậm, có vụ 3 năm hay thậm chí 10 năm mới phát hiện nên công tác thu hồi tài sản thấp. Qua tổng kết việc xử lý, thường án sau thiệt hại lớn hơn án trước.
Hội nghị nóng lên khi ông Minh thẳng thắn nêu ra những mặt hạn chế, khó khăn. Ông cho biết hầu hết án dạng này được phát hiện thông qua một vụ án kinh tế khác, trong khi giải pháp vẫn chưa có hiệu quả.
"Phải thực hiện tốt kê khai tài sản làm dữ liệu để căn cứ đều tra án tham nhũng, chứ kê khai xong bỏ vào ngăn tủ thì làm gì?", ông Minh nói.
Một băn khoăn nữa mà Phó giám đốc Công an TP HCM chia sẻ tại hội nghị là tài liệu án tham nhũng bình thường dài 20.000 trang, có vụ án trên 100.000 trang giấy. Vì thế việc xét xử chậm gây xói mòi, gây mất lòng tin trong nhân dân. Chưa kể có vụ xử rồi hủy hoặc xử lần sau nhẹ hơn lần trước.
"Có nhiều án bị hủy nhưng trong thâm tâm tôi không phục vì nó làm mất lòng tin trong dân”, ông Minh bộc bạch.
Bảo vệ người tố cáo thì mới chống được tham nhũng
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM, thông tin, năm 2015 qua công tác thanh tra, Ban đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ án tham nhũng. TAND các cấp đưa ra xét xử 25 vụ án tham nhũng với 105 bị cáo, trong đó có một vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội, dư luận quan tâm.
Ông Dương Hồng Hải, Phó viện trưởng VKSND TP HCM, cho hay, trong năm vừa qua có những vụ án tham nhũng hậu quả nghiêm trọng. Như vụ án Lê Dũng và đồng bọn chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền hơn 100 tỷ. Tổng số thiệt hại 4 vụ trên 2.000 tỷ.
Cũng theo ông Hồng Hải, dự báo năm 2016, án tham nhũng rất đông bị can, khối lượng hồ sơ, tình tiết vụ án rất lớn, dẫn đến nhiều vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tham nhũng phụ thuộc vào công tác giám định kéo dài. Đến 1/7/2016, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ giúp cho công tác xét xử, đấu tranh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng hiện nay vẫn còn hạn chế trong khi tội phạm lại tinh vi hơn. Sự phối hợp các cơ quan trong phòng chống còn bất cập. Sức mạnh hệ thống chính trị, nhân dân chưa phát huy hết.
Chia sẻ với với hội nghị, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân, cơ quan và địa phương mình. Người đứng đầu phải gương mẫu, và chịu trách nhiệm nếu cán bộ dưới quyền vi phạm.
"Phải làm quyết liệt và bảo vệ người tố cáo, khi ấy mới đẩy lùi được vấn nạn tham nhũng”, ông Thăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, người đứng đầu đảng bộ TP HCM cũng yêu cầu Sở Tài chính công khai minh bạch thu chi của TP cho người dân biết, giám sát.