Trường Mầm non tại Hà Nội ngập do ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Ảnh: NB. |
Sáng 16/9, Bộ GD&ĐT có báo cáo thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đối với ngành giáo dục cũng như công tác triển khai ứng phó và giải pháp khắc phục hậu quả.
Ngành giáo dục thiệt hại nặng nề
Bộ GD&ĐT nhận định cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, ngành giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, một giáo viên mất tích.
Trong đó, thiệt hại về người nặng nề nhất là hai tỉnh Lào Cai (35 em tử vong) và Yên Bái (9 học sinh tử vong). Ngoài ra, Cao Bằng ghi nhận 6 em tử vong, Thái Nguyên có 2 trẻ em.
Về số học sinh mất tích, Lào Cai có một học sinh lớp 5 trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Ngải Thầu mất tích do sạt lở tại nhà; 2 trẻ em trường Mầm non A Lù mất tích chưa liên lạc được do sạt lở.
Quảng Ninh và Cao Bằng, mỗi tỉnh có một học sinh bị thương, Lào Cai có 6 học sinh của xã Phúc Khánh bị thương đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.
Bên cạnh đó, Cao Bằng có một giáo viên thiệt mạng và một giáo viên mất tích; Yên Bái có 2 giáo viên thiệt mạng do sạt lở đất.
Bộ cũng thông tin do mưa to, gió lớn, nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.
Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Hiện, các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học. Theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa.
Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được.
Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái có gần 20.000 học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa. Kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.
Trường THCS Túc Duyên (tỉnh Thái Nguyên) thiệt hại nặng sau mưa lũ. Ảnh: FBNT. |
99 trường/điểm trường chưa thể dạy học
Ngành giáo dục đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn.
Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào ngày 16/9.
Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (một trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (một trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).
Ngày 11/9/2024, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, kết quả ban đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cam kết vận động để hỗ trợ ngành giáo dục tối thiểu 4,05 triệu USD. Các nhà xuất bản đã đã tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ 719 triệu đồng...
Bộ cho biết giáo viên tử vong sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/gia đình, học sinh và trẻ mầm non tử vong nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình. Các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Bộ cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.