Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đau thương của ngành giáo dục, hàng chục học sinh tử vong vì bão lũ

Các tỉnh miền núi phía bắc ghi nhận hàng chục học sinh tử vong và mất tích, hàng trăm em khác vẫn mất liên lạc sau đợt mưa lũ lịch sử.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ mất mát với cô giáo trường Mầm non Phúc Khánh - nơi có hàng chục trẻ mầm non thôn Làng Nủ thiệt mạng. Ảnh: Moet.

Ngày 14/9, các lãnh đạo của Bộ GD&ĐT đến thăm các tỉnh phía bắc chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời thống kê những số liệu liên quan mức độ ảnh hưởng do đợt lũ để lại.

Thiệt hại nặng nề

Tỉnh Lào Cai là địa phương ghi nhận nhiều học sinh tử vong vì bão lũ cao nhất trong các tỉnh phía bắc. Cụ thể, toàn tỉnh có 35 em thiệt mạng và mất tích, 15 em bị thương do bão lũ.

Số nhân viên, giáo viên toàn ngành giáo dục Lào Cai bị ảnh hưởng do bão số 3 cần được hỗ trợ là trên 600 hộ gia đình (nhà bị sập, bị ngập nước, sạt lở đất…). Riêng huyện Bảo Yên có 410 gia đình, 3 giáo viên thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa bị thương tích phải nhập viện.

Ngoài ra, khối THPT của tỉnh này có 12/39 đơn vị trường bị ảnh hưởng của bão như sạt lở taluy, ngập úng...

Đơn vị trường bị ảnh hưởng nặng là trường THCS&THPT Bát Xát vì sạt lở 80 m taluy, làm sập 16 phòng ở học sinh bán trú, bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh và đe dọa tiếp tục sạt lở vào khu nhà ký túc 4 tầng, nhà đa năng, nhà lớp học.

lang nu bi xoa so anh 1

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi thăm học sinh thôn Làng Nủ bị thương đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên. Ảnh: Moet.

Tại tỉnh Cao Bằng, chia sẻ với đoàn thăm hỏi do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu, ông Trịnh Trường Huy, đại diện Sở GD&ĐT, cho biết tỉnh ghi nhận 9 người (gồm 2 giáo viên và 7 học sinh) thiệt mạng cùng một học sinh bị thương do mưa lũ.

Cùng với đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở. Từ tháng 8/2024, địa bàn tỉnh Cao Bằng đã bị ngập úng rất sâu và kéo dài, tháng 9 lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nên gây thiệt hại lớn.

Đến ngày 14/9, 10 trên tổng số 519 cơ sở giáo dục vẫn chưa tổ chức học trở lại được do nước sông suối còn cao và đường sạt lở, chia cắt. Ngoài ra, sở vẫn chưa chưa liên lạc được với gần 700 em học sinh do mất sóng điện thoại. Nhiều em không thể đến trường do địa hình chia cắt.

Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang có 456/456 trường học với 223.136 học sinh phải nghỉ học từ ngày 7-11/9 để phòng, chống ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Đến ngày 13/9, toàn tỉnh còn 164 trên 456 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học do địa bàn một số nơi còn bị chia cắt; nhà trường tập trung vệ sinh trường, lớp; gia đình học sinh tập trung dọn dẹp, vệ sinh nhà ở sau lũ lụt.

lang nu bi xoa so anh 2

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn động viên các giáo viên tại trường Mầm non Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang). Ảnh: Moet.

Theo giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, nhờ có sự chủ động trong công tác chỉ đạo và xây dựng các phương án phòng, chống bão, lũ nên thiệt hại đối với các nhà trường là không lớn, đặc biệt là không có thiệt hại về người.

Hiện, toàn tỉnh vẫn còn 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất, gồm 14 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS, 5 trường THPT.

Riêng tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Chiêm Hóa, toàn bộ khu ký túc xá và nhà ăn của học sinh bị ngập. Thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 2.000 học sinh có nhà bị ngập, sạt lở đất, đồ dùng học tập, sách vở bị lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 3,4 tỷ đồng.

Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái cũng ghi nhận thiệt hại nặng nề toàn khi có 2 giáo viên và 8 học sinh thiệt mạng, 2 học sinh khác bị thương do bão.

Về cơ sở vật chất, tỉnh thống kê 28 cơ sở giáo dục bị ngập lụt, hiện đã dọn dẹp, khắc phục xong và 37 cơ sở khác bị sạt lở.

Bên cạnh đó, một số trường, điểm trường bị sạt lở đất với khối lượng ít, các trường đã chủ động huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để khắc phục.

Sau đợt bão lũ này, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái thiệt hại khoảng 45 tỷ đồng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và sách vở. Mưa lũ cũng khiến hơn 22.000 học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa với kinh phí dự kiến là 11,5 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên cũng có buổi làm việc và báo cáo với Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên Phạm Việt Đức, tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 2 học sinh thiệt mạng, 93 trường bị thiệt hại với mức ước tính là hơn 23 tỷ đồng.

Thứ trưởng cũng đến thăm trường THCS Túc Duyên và nhận thông tin bão số 3 khiến trường ngập trong độ sâu khoảng 1,5 m, khiến nhiều cơ sở vật chất bị hư hại nặng nề.

Trường Mầm non Túc Duyên cũng báo cáo nhiều đồ chơi, trang thiết bị của trường bị trôi dạt; tài liệu, thiết bị điện tử bị ngập trong nước nên hư hỏng nặng.

Khắc phục sau lũ, đưa trẻ về trường

Ghi nhận hàng loạt thiệt hại nặng nề về người và của, các tỉnh vẫn đang nỗ lực khắc phục để sớm đưa trẻ trở lại trường học an toàn.

Tỉnh Cao Bằng cho biết đối với các trường bị ngập úng, sau khi nước rút, nhà trường đã chủ động tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại trường, lớp học.

Đối với các điểm trường bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, các trường chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn; tiến hành rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên khi trở lại trường học.

Ghi nhận thông tin về quá trình khắc phục sau mưa lũ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể là tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, kịp thời hỗ trợ để giáo viên, học sinh sớm trở lại trường học; có những giải pháp hỗ trợ, động viên, tư vấn tâm lý, tinh thần cho giáo viên, học sinh.

Ngành giáo dục cũng cần tiếp tục thống kê thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học và tiếp tục vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường, lớp học, kiểm tra cơ sở vật chất, rà soát, đánh giá độ an toàn tại các điểm trường theo tinh thần nơi nào an toàn mới đưa học sinh trở lại học.

lang nu bi xoa so anh 3

Bí thư tỉnh ủy Trần Hồng Minh và lãnh đạo Sở GD&ĐT Cao Bằng đến thăm hỏi và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại trường Mầm non 1/6 vào ngày 9/9. Ảnh: Moet.

Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang cũng đã chỉ đạo các nhà trường bị ảnh hưởng của bão lũ huy động giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh phối hợp các lực lượng tại địa phương tiến hành vệ sinh khuôn viên, trường lớp, khử trùng, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão...

Từ ngày 13/9, toàn tỉnh có 292/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Dự kiến từ ngày 16/9, 455/456 trường sẽ trở lại hoạt động dạy và học bình thường.

Riêng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Chiêm Hóa dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ 23/9 để sửa chữa, khắc phục hệ thống điện, nước, nhà bếp và kí túc xá của học sinh do bị ngập sâu dài ngày.

Ngay sau khi nước rút, tỉnh Yên Bái cũng huy động tối đa lực lượng trên địa bàn tỉnh và lực lượng hỗ trợ với số lượng khoảng 104.000 người để khắc phục bão lũ. Những địa phương ảnh hưởng nhẹ hơn sẽ được huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục ở những địa bàn ảnh hưởng nặng.

Đến thời điểm này, đa số trường bị ngập lụt đã huy động, phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành để dọn dẹp vệ sinh, về cơ bản đã sạch sẽ.

Tuy nhiên, việc dọn dẹp, vệ sinh ở một số trường thuộc thành phố Yên Bái gặp nhiều khó khăn do mất điện, thiếu nguồn nước, thiếu các thiết bị chuyên dụng. Nhiều trường bị sạt taluy, sụt lún công trình, sạt lở tường rào chưa được khắc phục, hiện các trường đã báo cáo chính quyền, các cấp quản lý để đánh giá và có phương án xử lý.

Tính đến sáng 13/9, toàn tỉnh Yên Bái có 152/442 trường từ mầm non đến phổ thông tổ chức đón học sinh đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục, đạt 35% trên tổng số trường học.

Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho hay tỉnh sẽ cố gắng vào ngày 16/9 sẽ đưa học sinh đi học để đảm bảo thời gian năm học. Những trường thiệt hại rất nặng dự kiến cho học sinh đi học từ ngày 18/9.

Tại tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi bão số 3 đi qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng liên quan chủ động kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả, đồng thời tuyên truyền tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống các tài sản, cơ sở vật chất khác… để ứng phó với mưa, lũ sau bão và đảm bảo an toàn khi thiên tai tiếp tục xảy ra.

Sở GDĐT, Công đoàn ngành GD&ĐT đã thực hiện thăm hỏi và hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho 80 học sinh trường THPT ở lại ký túc xá nhà trường do không thể về nhà tại thời điểm nhà trường bị cô lập do nước lũ dâng cao; đồng thời thăm hỏi động viên cán bộ giáo viên các trường và nhân dân trong vùng lũ thuộc TP Thái Nguyên, huyện Phú Bình, TP Phổ Yên...

Các Phòng GD&ĐT cũng khẩn trương tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo và hoàn thành công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3, mưa, lũ sau bão gây ra tại các cơ sở giáo dục, với quyết tâm sớm đưa học sinh trở lại trường và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học 2024-2025.

Còn riêng tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và lực lượng sinh viên tình nguyện đang tích cực cùng các trường học dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão số 3 để sớm ổn định việc học tập.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên, do học sinh, giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề, trường học khó khăn, giao thông chia cắt giữa các khu vực, dự kiến mới có 30 trường học của huyện Bảo Yên cho học sinh đi học trở lại từ ngày 16/9, 43 đơn vị trường học còn lại dự kiến tổ chức học tập cho học sinh từ ngày 23/9.

“Rất đau xót. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt công tác ổn định tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, đảm bảo không ảnh hưởng tỷ lệ chuyên cần. Dự kiến, ngày 23/9, toàn bộ học sinh của huyện đi học. Chúng tôi cũng đã tính toán để đảm bảo không ảnh hưởng tới kế hoạch chương trình năm học”, ông Bùi Minh Tuân chia sẻ.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Giáo viên đau lòng vì trường học hư hại nặng sau đợt lũ lịch sử

Sau khi nước rút, giáo viên nhiều tỉnh, thành phía bắc trở lại trường dọn dẹp. Nhiều thầy, cô đau lòng khi thấy cảnh lớp học, đồ dùng học tập của trẻ vì ngập trong bùn đất.

Thái An

Bạn có thể quan tâm