Liên quan vụ việc hàng trăm học sinh từ Bắc Ninh xuống Hà Nội để xét nghiệm sán lợn nghi do ăn thịt lợn nhiễm bệnh, chiều 15/3, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay các cháu trên hầu như không có triệu chứng.
Sự việc xuất phát từ việc phụ huynh nghi ngờ con có thể nhiễm sán lợn gạo nên đưa đến xét nghiệm.
Hàng trăm học sinh Bắc Ninh về Hà Nội khám
Đến 15h đã có kết quả xét nghiệm huyết thanh, máu của 173 mẫu cho thấy 44 trường hợp có biểu hiện từng bị nhiễm sán lợn. Số trường hợp còn lại khi có kết quả bệnh viện sẽ chuyển về tỉnh.
"Trong số 44 cháu, không phải tất cả mà chỉ một số rối loạn tiêu hoá, chúng tôi đã tư vấn, nhập viện. Số em khác có xét nghiệm bình thường, đã về nhà. Các cháu dương tính cần xét nghiệm thêm", GS Kính cho hay.
Trả lời về nguồn lây nhiễm của những trẻ trên, GS Kính cho rằng ký sinh trùng này nằm trong đất, nước và có thể trong thực phẩm nên có nhiều nguồn lây, có thể ngoài môi trường nên không phỏng đoán được.
“44/173 cháu cùng một trường dương tính, tỷ lệ này bình thường, phụ thuộc tập quán ăn uống, môi sinh môi cảnh. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo cho Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương đến tận nơi để điều tra môi sinh, môi trường ấu trùng có trong đất hay không”, GS Kính nói.
Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sáng nay, cũng khám và xét nghiệm cho 135 cháu bé (sinh năm 2010 đến 2017) tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau xét nghiệm kháng thể, 13 trường hợp dương tính với sán lợn.
Trước đó, từ cuối tháng 2, một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt.
Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán lợn. 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.
Tại bệnh viện, các cháu phải làm 3 xét nghiệm là máu, nước tiểu và phân. Tổng chi phí cho mỗi lần khám và xét nghiệm hơn một triệu đồng.
Phụ huynh lo lắng cho con đi xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương. Ảnh: TL. |
Bị nhiễm sán lợn nguy hiểm ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng, cho biết nhiễm sán dây lợn (ấu trùng sán gạo heo) có thể xảy ra khi ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.
Bác sĩ Ánh phân tích sau khi lợn ăn phải ấu trùng sán, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. 24-72 giờ kể từ khi ăn phải, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài.
Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm.
“Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm”, bác sĩ Ánh thông tin.
Sán gạo heo là bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não... Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Tùy từng vị trí sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Ở da: Các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay, sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X quang.
Ở não: Biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử.
Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.
Ở cơ tim: Làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.
Ấu trùng sán dây lợn sẽ ở dưới âm 20 độ C. Ở âm 20 đến O độ C, nó sống được gần 2 tháng và trong nhiệt độ phòng thí nghiệm sống được 26 ngày. Do đó, nếu muốn dùng thịt sống, người dùng phải ướp thịt ở âm 10 độ C trong 4 ngày mới bảo đảm. Nhiệt độ 50-60 độ C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.
Bác sĩ Ánh khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; nên ăn chín, uống sôi, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Không nuôi lợn thả rông. Khi mua thịt ngoài chợ phải quan sát miếng thịt, nếu có các dấu hiệu lạ như nổi u, có đốm trắng, tuyệt đối không mua. Bệnh nhân nghi nhiễm sán cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.