1. "Ngày hôm nay của con thế nào?": Nhiều gia đình chỉ tập trung vào vấn đề học tập, thành tích và vô tình quên đi cảm xúc, suy nghĩ của con. "Con đã làm bài tập chưa?", "Hôm nay con được mấy điểm?", những câu nói tưởng chừng vô hại sẽ khiến trẻ áp lực, không muốn đối diện, trò chuyện cùng cha mẹ. Người lớn nên nói chuyện với con như những người bạn. "Hôm nay con thấy thế nào, có điều gì con muốn chia sẻ không?", một câu mở đầu vui vẻ sẽ khơi dậy niềm vui của mỗi đứa trẻ. Qua đó, các em có thể thoải mái tâm sự, nói lên suy nghĩ của bản thân. Ảnh: Relationship Based Parenting. |
2. "Con khiến cha mẹ thấy hạnh phúc": Nhiều cha mẹ cho rằng nuôi dạy con cái là một sự hy sinh lớn, buộc con phải hiểu những vất vả đó. Đứa trẻ lớn lên với những lời than vãn, "kể khổ" của cha mẹ sẽ cảm thấy nặng nề, áp lực. Thậm chí, nhiều em luôn nghĩ rằng bản thân có lỗi, mắc nợ cha mẹ. Thay vì truyền những lời nói tiêu cực, cha mẹ nên nói với con rằng: "Sinh con là điều không dễ dàng, nhưng con luôn khiến cha mẹ cảm thấy rất hạnh phúc". Một câu nói đơn giản sẽ khiến đứa trẻ tự tin, coi trọng giá trị và sự tồn tại của bản thân. Ảnh: Psychology Today. |
3. "Hãy làm chủ bản thân và làm điều mình muốn": Cha mẹ không thể ở cạnh và làm mọi thứ cho con mãi mãi. Vì thế, bạn cần động viên để trẻ biết cách làm chủ bản thân và tin vào chính mình. Thay vì theo sát đứa trẻ mỗi ngày, cha mẹ hãy khuyến khích con sống tự lập, bắt đầu từ những việc phù hợp lứa tuổi như tự dọn phòng, sắp xếp đồ chơi. Ngoài ra, người lớn có thể hướng dẫn trẻ lập thời gian biểu, lên kế hoạch cụ thể để trẻ thực hiện. Khi để con tự làm chủ, bạn sẽ nhận ra đứa trẻ có thể làm được những điều tốt hơn mong đợi. Ảnh: FamilyMinded. |
4. "Con hãy là chính mình": Mỗi đứa trẻ có một cuộc sống, cách nhìn nhận khác nhau. Thay vì lo lắng người khác nghĩ về mình thế nào, cha mẹ nên giúp trẻ tự tin và coi trọng bản thân. "Con là duy nhất, con không không phải bản sao của bất kỳ ai. Con hãy là chính mình". Ảnh: Fashions Style. |
5. "Con luôn là niềm tự hào của cha mẹ": Lời động viên mang giá trị tinh thần cao, giúp mỗi đứa trẻ có thêm động lực phấn đấu, cố gắng. Đứa trẻ giỏi giang đến đâu, nếu không được cha mẹ quan tâm, động viên, chúng sẽ luôn cảm thấy bản thân chưa đủ tốt. Theo thời gian, trẻ sẽ cho rằng bản thân chưa thể khiến cha mẹ hài lòng. Những suy nghĩ tiêu cực dễ khiến trẻ nhụt chí, không thể tiến bộ. Câu động viên "Con là niềm tự hào của cha mẹ" như một hạt giống, gieo niềm hy vọng, giúp trẻ lớn lên trong hạnh phúc, tự tin. Ảnh: Migration Centre of Australia. |
6. "Ước mơ của con là gì?": Mỗi đứa trẻ đều có ước mơ, lý tưởng của riêng mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ với người thân. Cha mẹ nên chủ động hỏi và lắng nghe con kể về những dự định trong tương lai. Qua đó, cha mẹ có thể định hướng, giúp trẻ lên ý tưởng để thực hiện "bản kế hoạch cuộc đời". Ảnh: Family Services of Northeast Wisconsin. |