Những bài tập từ chuyên gia Yoga sẽ giúp bạn thấy nhẹ nhàng, thư giãn hơn.
Zing giới thiệu những động tác Yoga giúp giảm đau cổ vai gáy đến từ chuyên gia yoga Sophie. Đây là những bài tập dành cho người mới bắt đầu. Bạn có thể dễ dàng tự tập ở nhà để có sức khoẻ và tinh thần tốt hơn.
Sophie Văn
- Tên thật: Văn Thị Mỹ Hạnh
- Giảng viên Yoga quốc tế được chứng nhận bởi Yoga Alliance (Mỹ)
Người mới tập Yoga nên có một tâm trí cởi mở, yêu thích khám phá những điều mới mẻ. Yoga là hành trình kết nối thân - tâm - trí. Không chỉ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, Yoga còn giúp tâm trí bình an.
Có nhiều phương pháp Yoga khác nhau để giúp bạn đạt được mục tiêu. Hãy tìm hiểu cách tập Yoga phù hợp với bản thân, đó cũng là cách bạn có thêm những trải nghiệm thú vị.
Lưu ý cho người mới tập Yoga
- Tập ở nơi yên tĩnh để giúp bạn tập trung vào bài tập. Từ đó tăng hiệu quả và đạt được nhiều lợi ích của Yoga.
- Các dụng cụ hỗ trợ tập Yoga đơn giản như gạch, dây đai, khăn, gối.. sẽ giúp tăng trải nghiệm cho bài tập, nhất là đối với người mới tập tại nhà.
- Yoga là một hành trình bền bỉ, lâu dài nên người tập cần kiên trì và lạc quan, nhất là khi muốn chinh phục tư thế asanas hay các mục tiêu luyện tập.
- Hãy tin vào cơ thể của mình và cho bản thân thêm thời gian rèn giũa để đạt được những điều tốt đẹp.
- Không so sánh bản thân với giáo viên hoặc người hướng dẫn. Điều này sẽ khiến bạn đôi khi hấp tấp mà tập sai dẫn đến các chấn thương không đáng có.
- Phải hít thở sâu. Yoga là sự kết hợp của chuyển động cơ thể với hơi thở. Vì thế, chỉ khi hít thở sâu thì bạn mới cảm nhận được rõ ràng lợi ích mà Yoga mang lại.
Động tác Yoga đơn giản để tự tập ở nhà
▼ 1. Ngồi giãn cơ cổ vai gáy
Thực hiện: ngồi trên ghế hoặc trên sàn. Nghiêng đầu rồi dùng tay nhẹ nhàng kéo căng cơ.
Lợi ích: giảm đau mỏi cổ vai gáy, chỉnh lại tư thế cổ đúng, lưu thông máu lên não giúp tăng trí nhớ và tránh bị đau đầu chóng mặt. Nếu lỡ nằm ngủ sai tư thế, tập giãn cơ vào buổi sáng sẽ giúp phòng ngừa đau cổ vai gáy.
_______
▼ 2. Tư thế nhân sư
Thực hiện: nằm úp, đặt cùi trỏ dưới vai, nâng ngực vai lên khỏi sàn, mắt nhìn về trước.
Lợi ích: mở lưng trên, dẻo dai cột sống, tăng thể tích phổi giúp cải thiện hô hấp.
_______
▼ 3. Tư thế lưỡi liềm thấp
Thực hiện: chân trước co gối, chân sau duỗi gối chạm sàn, hông hướng xuống sàn.
Lợi ích: giãn cơ thắt lưng chậu giúp giảm đau thắt lưng.
_______
▼ 4. Tư thế lưỡi liềm cao
Thực hiện: chân trước co gối, chân sau duỗi gối không chạm sàn, hai tay qua đầu.
Lợi ích: tăng sức mạnh chân, bảo vệ khớp gối, tăng sức mạnh cơ lõi, mở khớp vai, mở lưng trên.
_______
▼ 5. Tư thế thằn lằn
Thực hiện: chân trước co gối - hướng ra ngoài thảm, chân sau duỗi gối chạm sàn, hông hướng xuống sàn.
Lợi ích: mở khớp hông và giãn cơ chân, giảm đau thắt lưng và thần kinh tọa.
_______
▼ 6. Tư thế cái ghế
Thực hiện: co 2 gối, hạ thấp hông như ngồi trên ghế, hai tay qua đầu.
Lợi ích: tăng sức mạnh mông đùi và cơ lõi, bảo vệ khớp gối, mở vai, mở lưng trên.