1. Yêu thương lẫn nhau: Cách tốt nhất để giáo dục con cái là cha mẹ phải yêu thương lẫn nhau. Trẻ luôn mong muốn sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Nếu người lớn cãi nhau, trẻ sẽ bị đẩy vào tình thế khó xử. Những cuộc cãi vã không hồi kết của cha mẹ có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm, không hạnh phúc, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực. Chuyên gia tâm lý Bert Hellinger nhấn mạnh tình cảm vợ chồng là điều kiện quyết định sự hạnh phúc của mỗi gia đình. Khi được sống trong gia đình hòa thuận, con cái sẽ trở thành những đứa trẻ có lòng yêu thương, biết dành tình cảm cho người khác. Ảnh: Two pink canaries. |
2. Ham học hỏi: Bản chất của giáo dục là trau dồi thói quen. Trẻ cần được trau dồi những thói quen tốt từ bé, đặc biệt là tính ham học hỏi, coi trọng kiến thức. Đối với những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tràn ngập không khí học tập, việc học sẽ trở thành một thói quen thay vì gánh nặng. Khi rảnh rỗi, cha mẹ có thể đọc sách, báo hoặc học thêm kỹ năng. Trẻ sẽ bắt chước cha mẹ và dần hình thành thói quen tốt. Li Yan, sinh viên Đại học Bắc Kinh, cho biết gia đình cô đều là những người thích đọc, đi đâu cũng mang theo sách. Qua đó, Li Yan dần trở thành một người yêu sách và đạt kết quả cao trong các kỳ thi. “Cuộc sống của tôi và gia đình thay đổi nhờ việc đọc sách”, cô nói. Ảnh: Sohu. |
3. Sống lạc quan: Các chuyên gia nhận định, tích cách của trẻ ảnh hưởng từ lối suy nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ sống lạc quan, trẻ sẽ nhìn mọi chuyện theo hướng tích cực, chủ động đối diện với khó khăn và luôn cảm thấy hạnh phúc. Nếu có cha mẹ sát cánh lúc khó khăn, đứa trẻ sẽ trở nên tự tin và hình thành tính cách tốt. Mỗi gia đình cần tạo không khí hòa thuận, vui vẻ để trẻ có cơ hội khám phá mặt tích cực của cuộc sống và học cách yêu thương những người xung quanh. Ảnh: ACEs Aware. |
4. Tôn trọng người khác: Mỗi đứa trẻ có tính cách, sở thích riêng. Nếu muốn con ngoan, cha mẹ cần tôn trọng, tin tưởng và để trẻ làm những điều mình muốn. Tôn trọng là nền tảng của giáo dục. Sự thấu hiểu và hỗ trợ của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, con người trẻ. Cha mẹ có thể cung cấp và đề xuất ý kiến, đồng thời truyền cảm hứng để trẻ tự giải quyết vấn đề riêng. Bên cạnh việc tôn trọng con, cha mẹ cần tôn trọng những người khác. Khi lớn lên trong một môi trường biết tôn trọng lẫn nhau, trẻ sẽ biết yêu quý, tôn trọng bản thân và người khác. Ảnh: Intermountain Healthcare. |
5. Ngăn nắp: Cha mẹ sống ngăn nắp cũng có vai trò quan trọng khi xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, tích cực. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình gọn gàng, trật tự sẽ phát triển những thói quen tốt. Các em cũng biết cách đối phó và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, ổn định. Một giáo viên Trung Quốc cho biết ông có thể đoán được tính cách của cha mẹ thông qua bài tập và cách sắp xếp sách vở của học sinh. Một đứa trẻ làm bài tập sạch sẽ, trình bày gọn gàng, biết thu dọn sách vở có thể được học từ thói quen ngăn nắp của cha mẹ. Ảnh: Graber Supply. |
6. Sống nguyên tắc: Những cha mẹ sống có nguyên tắc sẽ giúp trẻ biết cách tuân theo nề nếp ở nhà và môi trường bên ngoài. Bên cạnh tôn trọng sở thích của con, cha mẹ cần đặt ra một số quy tắc để trẻ noi theo. Cha mẹ cũng cần nghiêm túc tuân theo những điều đặt ra trên để làm gương cho con. Theo thời gian, các nguyên tắc của cha mẹ sẽ trở thành thói quen tốt và giúp trẻ trở thành người nề nếp, nghiêm túc. Ảnh: Dayday News. |