Uống cà phê khi đói, Ảnh minh họa: Health. |
Cà phê là lựa chọn lý tưởng để nạp năng lượng, giúp nhiều người vượt qua ngày dài làm việc. Với không ít người, tách cà phê dường như trở thành "người bạn đồng hành" không thể thiếu. Tuy nhiên, uống cà phê không đúng thời điểm không chỉ làm giảm hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Khi bụng đói buổi sáng
Theo India Times, cà phê có tính axit, dễ gây khó chịu cho dạ dày nếu uống khi đói vào buổi sáng. Loại nước uống này còn khiến cơ thể rơi vào phản ứng căng thẳng, sản sinh ra cortisol - hormone chống stress, làm tăng huyết áp, tăng đường huyết.
Đó là lý do một số người cảm thấy bồn chồn khi họ uống cà phê vào buổi sáng. Nồng độ axit đặc biệt không tốt với những người bị ợ chua, trào ngược, các vấn đề về tiêu hóa và thậm chí chỉ là đau bụng.
Trong kỳ kinh nguyệt
Theo Healthshots, nếu không muốn kỳ kinh nguyệt của mình trở nên tồi tệ hơn, bạn hãy cắt giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể. Uống quá nhiều cà phê có thể gây co, thu hẹp các mạch máu, làm trầm trọng thêm tình trạng chuột rút trong ngày "đèn đỏ". Nó cũng làm tăng cảm giác khó chịu và đầy hơi, đau bụng.
Ngoài ra, uống cà phê trong "kỳ đèn đỏ" làm tăng căng thẳng, huyết áp và nhịp tim, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày. Đôi khi, chính caffeine có thể gây đau bụng dưới vì nó là chất lợi tiểu khiến chúng ta mất nước.
Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt nên tránh uống cà phê để không làm tình trạng đau bụng, khó chịu tồi tệ hơn. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Sau khi say rượu
Một số người dựa vào cà phê để chữa khỏi cảm giác nôn nao do say rượu, nhưng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy điều này là đúng. Mặc dù uống cà phê có thể giúp giảm đau đầu do cai nghiện, nó cũng có thể làm cơn đau đầu trầm trọng hơn do thu hẹp mạch máu và tăng huyết áp.
Quan trọng nhất, caffeine sẽ không làm bạn tỉnh rượu. Nó có thể khiến bạn tỉnh táo hơn, nhưng bạn vẫn say, suy giảm khả năng phán đoán. Nếu bạn cảm thấy nôn nao sau khi uống rượu, hãy uống nước thay vì cà phê.
Khi bị căng thẳng, lo lắng
Caffeine có tác dụng kích thích hệ thần kinh - giải phóng hormone căng thẳng cortisol, kích hoạt phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" của chúng ta. Vì vậy, cà phê có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu và các vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt ở những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ và lo âu xã hội.
Khi thiếu ngủ
Với nhiều người, cà phê có vẻ như là giải pháp tự nhiên cho một đêm thiếu ngủ. Điều này hiệu quả ở một mức độ nào đó. Caffeine không còn tác dụng cải thiện sự tỉnh táo nếu bạn ngủ ít hơn 5 giờ trong 3 đêm liên tục. Nguyên nhân là ngủ ít khiến hiệu suất nhận thức bị suy giảm nghiêm trọng đến mức không lượng caffeine nào có thể khắc phục được.
Nếu bạn không thể chợp mắt ít nhất 7 giờ mỗi đêm, hãy bỏ cà phê hoàn toàn và chợp mắt 20 phút khi mức năng lượng giảm xuống. Điều này có thể giúp bạn khắc phục các triệu chứng thiếu ngủ và cải thiện sự tỉnh táo tốt hơn cà phê.
Khi mang thai
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), tiêu thụ lượng caffeine cao trong thời kỳ mang thai có thể khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Quá nhiều caffeine đôi khi còn dẫn đến sẩy thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai uống cà phê dễ gặp tình trạng căng thẳng, mất ngủ và ợ nóng.
Các chuyên gia khuyến nghị, phụ nữ mang thai nên giới hạn lượng caffeine tiêu thụ ở mức 200 mg mỗi ngày, tương đương 1-1,5 cốc cà phê. Caffeine cũng xuất hiện tự nhiên trong các loại thực phẩm khác như trà, chocolate, nước tăng lực và một số loại thuốc trị cảm cúm, vì vậy bà bầu cần lưu ý tổng lượng caffeine tiêu thụ từ mọi nguồn.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.