Chúng ta sẽ ngừng phát triển chiều cao sau khi bước qua tuổi dậy thì, vì thế sau tuổi dậy thì sẽ rất khó có thể tăng chiều cao. Ảnh: Howtogrowtaller. |
Người ta cho rằng yếu tố di truyền chiếm khoảng 80% chiều cao cuối cùng của một người. Các yếu tố môi trường nhất định như dinh dưỡng và tập thể dục, thường chiếm tỷ lệ còn lại.
Theo Healthline, sau 2 tuổi, hầu hết trẻ em phát triển chiều cao với tốc độ ổn định khoảng 6,35 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, chúng ta có thể phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, mỗi người phát triển với tốc độ khác nhau.
Đối với các bé gái, sự phát triển vượt bậc này thường bắt đầu vào đầu tuổi thành niên. Các bé trai có thể không gặp phải tình trạng tăng chiều cao đột ngột cho đến vài năm sau tuổi thành niên.
Nhìn chung, chúng ta sẽ ngừng phát triển chiều cao sau khi bước qua tuổi dậy thì. Điều này có nghĩa là khi trưởng thành, chúng ta khó có thể tăng chiều cao.
Tuy nhiên, có một số điều nhất định bạn có thể làm trong suốt tuổi thành niên để đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng phát triển của mình. Và khi trưởng thành chúng ta vẫn nên tiếp tục thực hiện những điều này để tăng cường sức khỏe tổng thể và duy trì chiều cao.
Mặc dù chiều cao chủ yếu được xác định bởi yếu tố di truyền, chúng ta có thể duy trì những thói quen dưới đây để trông cao hơn và tối ưu hóa tiềm năng phát triển của mình.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng
Trong độ tuổi phát triển, điều quan trọng là chúng ta phải nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Chế độ ăn uống nên bao gồm: trái cây và rau củ tươi, các loại ngũ cốc, protein, sản phẩm bơ sữa.
Bạn nên hạn chế hoặc tránh thực phẩm có chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa. Nếu bạn có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc do lớn tuổi khiến chiều cao giảm do ảnh hưởng đến mật độ xương, hãy cân nhắc tăng lượng canxi tiêu thụ.
Theo nhiều khuyến nghị, phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi nên tiêu thụ khoảng 1.200 mg canxi mỗi ngày.
Ngoài ra, vitamin D cũng thúc đẩy sức khỏe của xương. Các nguồn cung cấp vitamin D phổ biến bao gồm cá ngừ, cá hồi, sữa tăng cường và lòng đỏ trứng.
Bổ sung vitamin D từ sữa, lòng đỏ trứng và các loại cá. Ảnh: Parenting.firstcry. |
Sử dụng thận trọng thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng thích hợp có thể được sử dụng cho một số trường hợp nhất định để tăng chiều cao cho trẻ em hoặc chống lại sự teo nhỏ ở người lớn tuổi. Ví dụ nếu gặp phải tình trạng ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng ở người (HGH), bác sĩ có thể đề nghị một loại thực phẩm bổ sung có chứa HGH tổng hợp.
Ngoài ra, người lớn tuổi có thể được khuyên bổ sung vitamin D hoặc canxi để giảm nguy cơ loãng xương. Trong tất cả trường hợp khác, bạn nên tránh các thực phẩm chức năng có hứa hẹn về chiều cao.
Ngủ đủ giấc
Thỉnh thoảng bỏ ngủ sẽ không ảnh hưởng đến chiều cao của chúng ta về lâu dài. Nhưng nếu trong thời kỳ thành niên, chúng ta thường xuyên ngủ ít hơn mức khuyến nghị có thể dẫn đến các biến chứng.
Điều này là do cơ thể tiết ra HGH trong khi bạn ngủ. Việc sản xuất hormone này và những hormone khác có thể giảm nếu chúng ta không ngủ đủ.
Dưới đây là số lượng giấc ngủ được khuyến nghị:
- Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: 14-17 giờ
- Trẻ sơ sinh 4-12 tháng tuổi: 12-16 giờ
- Trẻ mới biết đi 1-2 tuổi: 11-14 giờ
- Trẻ nhỏ 3-5 tuổi: 10-13 giờ
- Trẻ em 6-13 tuổi: 9-12 giờ
- Thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi: 8-10 giờ
- Người lớn 18-64 tuổi: 7-9 giờ
- Người lớn trên 65 tuổi: 7-8 giờ
Ngoài ra, ngủ thêm thậm chí có thể làm tăng sản xuất HGH.
Duy trì hoạt động
Tập thể dục có thể tăng cường cơ bắp và xương vì thế giúp chúng ta duy trì trọng lượng vừa phải và thúc đẩy sản xuất HGH. Trẻ em đi học nên tập thể dục ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Trong thời gian này, họ nên tập trung vào:
- Bài tập tăng cường sức mạnh như chống đẩy hoặc cơ bụng.
- Bài tập tăng sự linh hoạt như yoga
- Hoạt động sức như chơi đuổi bắt, nhảy dây hoặc chạy xe đạp
Khi trưởng thành, tập thể dục ngoài việc giúp duy trì sức khỏe tổng thể còn có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương. Tình trạng này xảy ra khi xương của bạn trở nên yếu hoặc giòn, dẫn đến mất mật độ xương.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy thử đi bộ, chơi tennis hoặc tập yoga vài lần một tuần.
Giữ tư thế hợp lý
Tư thế xấu có thể khiến bạn trông thấp hơn thực tế. Và theo thời gian, tư thế ngồi sụp xuống hay dáng đi vai thõng xuống có thể ảnh hưởng đến chiều cao thực tế của chúng ta.
Lưng của chúng ta phải cong tự nhiên ở ba nơi. Nếu chúng ta thường xuyên ngồi hay đứng sai tư thế, những đường cong này có thể thay đổi để thích ứng với tư thế mới. Điều này có thể gây đau cổ và lưng của bạn.
Tập yoga
Tư thế chiến binh 2 của yoga. Ảnh: Masterclass. |
Các bài tập toàn thân như yoga có thể tăng cường cơ bắp, căn chỉnh cơ thể và giúp giữ tư thế đúng cách. Điều này có khả năng giúp bạn đứng cao hơn.
Bạn có thể tập yoga thoải mái tại nhà hoặc tập theo nhóm tại phòng tập thể dục. Nếu bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu, hãy tìm kiếm những video dạy yoga trên YouTube hoặc thử một số tư thế dành cho người mới bắt đầu.
Một số tư thế yoga phổ biến để cải thiện tư thế bao gồm:
- Tư thế leo núi
- Tư thế rắn hổ mang
- Tư thế trẻ em
- Tư thế chiến binh 2
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến chiều cao
DNA của bạn chiếm khoảng 80% chiều cao của chúng ta nhưng trên thực tế, các nhà khoa học đã xác định được hơn 700 biến thể di truyền có liên quan đến việc xác định chiều cao.
Một số hormone cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và ảnh hưởng đến chiều cao bao gồm hormone tuyến giáp, hormone tăng trưởng và hormone sinh dục như testosterone và estrogen.
Hơn nữa, một số tình trạng di truyền có thể gây ra tăng trưởng chậm hoặc ức chế sinh trưởng, bao gồm hội chứng Down, hội chứng Turner và tình trạng thiếu phát triển sụn.
Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng, duy trì hoạt động và ngủ đủ giấc là tất cả các yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng và giữ gìn sức khỏe tổng thể.