Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 thói quen hàng ngày có thể làm tổn thương tim mạch

Ngồi cả ngày, tập thể dục quá lâu, ăn nhiều muối là những điều tưởng chừng vô hại nhưng trong thời gian dài có thể tác động xấu và gây ra các vấn đề về tim mạch.

Tim của chúng ta là cơ quan mỏng manh chịu trách nhiệm bơm máu và oxy đến các bộ phận cơ thể khác nhau thông qua hệ thống tuần hoàn. Mỗi giây trong ngày, tim phải làm việc chăm chỉ để bơm máu đi khắp cơ thể. Nó hoạt động khi bạn tập thể dục, ngủ,...

Một số yếu tố nguy cơ bệnh tim mà bạn không thể thay đổi, chẳng hạn tuổi tác hoặc tiền sử gia đình. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác có thể nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người như hút thuốc, lười thể dục,... Bằng cách tránh những thói quen không tốt này, bạn có thể bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh tật.

Hút thuốc

Theo Penn Medicine, hút thuốc là một trong ba yếu tố nguy cơ chính (cùng với huyết áp cao và cholesterol cao) đối với bệnh tim và là nguyên nhân của 30% trường hợp tử vong do bệnh tim.

Mỗi lần hút một điếu thuốc, bạn đưa vào cơ thể hơn 5.000 chất hóa học - trong đó có nhiều chất gây hại cho sức khỏe. Một trong những hóa chất này là carbon monoxide. Carbon monoxide làm giảm lượng oxy trong các tế bào hồng cầu, gây tổn thương tim. Nó cũng làm tăng lượng cholesterol trong động mạch, một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.

Một số người sử dụng thuốc lá điện tử hay vaping để bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, khoa học chưa có bằng chứng cho việc thuốc lá điện tử là giải pháp thay thế lành mạnh. Khi sử dụng thuốc lá điện tử, bạn vẫn tiếp xúc với nicotine, chất độc, kim loại và nhiều chất gây ô nhiễm khác - tất cả đều nguy hiểm cho sức khỏe.

Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ là bỏ thuốc lá hoàn toàn. Mặc dù điều này có thể là thách thức với người nghiện thuốc, việc sống chung với bệnh tim hoặc hồi phục sau cơn đau tim sẽ càng khó khăn hơn.

Thoi quen xau gay hai tim mach anh 1

Hút thuốc là nguyên nhân của 30% trường hợp tử vong do bệnh tim. Ảnh: CDC.

Ngồi cả ngày

Theo India Times, bất kể công việc hay sở thích đòi hỏi bạn phải ngồi cả ngày ở một chỗ, điều này có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ suy tim.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho thấy những người không di chuyển đủ hoặc có xu hướng ngồi từ 5 giờ trở lên mỗi ngày có nhiều khả năng mắc các bệnh về tim hơn.

Nếu công việc bắt buộc phải ngồi vào bàn làm việc cả ngày, bạn hãy tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, đứng dậy và đi bộ 5 phút mỗi giờ.

Theo nghiên cứu của Đại học Indiana được công bố vào tháng 8/2014 trên tạp chí Medicine & Science in Sports & Practice, điều chỉnh nhỏ này trong thói quen của bạn có thể giữ cho động mạch luôn linh hoạt và máu lưu thông tốt, giảm các tác động tiêu cực của việc ít vận động.

Không sử dụng chỉ nha khoa

Thói quen vệ sinh răng miệng không lành mạnh không chỉ dẫn đến các vấn đề về răng miệng như viêm nướu, sâu răng, mà còn có thể gây ra một số vấn đề liên quan tim và thận. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Periodontal Research cho thấy những người dùng chỉ nha khoa thường xuyên ít có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tim hơn.

Điều này là do vi khuẩn gây bệnh về nướu cũng có thể thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ vi khuẩn ẩn trong miệng.

Thoi quen xau gay hai tim mach anh 2

Ngồi cả ngày không có lợi cho sức khỏe tim mạch. Ảnh: Livescience.

Không tập thể dục hoặc tập luyện quá mức

Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe tổng thể, bao gồm cả tim mạch. Chỉ 150 phút mỗi tuần hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải, tức là chỉ khoảng 20 phút/ngày, chẳng hạn đi bộ nhanh hoặc chơi tennis, đạp xe, có thể làm giảm cholesterol, huyết áp và giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Thói quen này cũng có thể làm cho cơ tim khỏe hơn để bơm máu hiệu quả.

Tuy nhiên, ngược lại, tập thể dục quá nhiều trong một thời điểm, đặc biệt là khi bạn đã mất dáng hoặc chưa tập luyện trong thời gian dài, có thể gây thêm áp lực lên tim, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Đặc biệt, tập luyện quá sức và quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Vì vậy, khi bạn tập thể dục, hãy bắt đầu thật chậm và lắng nghe cơ thể để thích ứng.

Chế độ ăn nhiều muối

Tiêu thụ quá nhiều natri có thể dẫn đến huyết áp cao và bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo mỗi người nên tiêu thụ ít hơn 1.500 mg natri mỗi ngày. Ăn nhiều hơn 5 gam muối trong thức ăn cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh khác về sức khỏe.

Ngay cả thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Vì vậy, AHA khuyến nghị mọi người cần đọc kỹ nhãn dinh dưỡng và so sánh các sản phẩm, chọn loại có giá trị % natri hàng ngày thấp nhất.

Thoi quen xau gay hai tim mach anh 3

Những đồ ăn chế biến sẵn chứa rất nhiều muối - nguyên nhân gây huyết áp cao và vấn đề về tim mạch. Ảnh: Medicalnewstoday.

Ngủ không đủ giấc

Trái tim phải làm việc vất vả cả ngày, nếu bạn không ngủ đủ giấc, hệ thống tim mạch sẽ không được nghỉ ngơi cần thiết. Nhịp tim và huyết áp giảm trong giai đoạn đầu của giấc ngủ (giai đoạn không phải REM), sau đó tăng và giảm theo giấc mơ trong giai đoạn thứ hai (giai đoạn REM). Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia của Mỹ (NHLBI), những thay đổi này trong suốt đêm dường như thúc đẩy sức khỏe tim mạch.

Thiếu ngủ mạn tính cũng có thể dẫn đến nồng độ cortisol và adrenaline khi nghỉ ngơi cao, tương tự mức độ mà bạn gặp phải trong tình huống căng thẳng. Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ khuyến cáo người lớn nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên và thanh niên là 9-10 giờ.

5 thói quen gây hại thận

Nhiều người vẫn hay lặp lại các thói quen như ít uống nước, ăn nhiều muối, uống rượu, bia mà không ngờ đang làm tăng thêm gánh nặng cho thận.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm