Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Nhận biết được sự nguy hiểm này, nhiều người đã ý thức và tiến hành cai nghiện thuốc lá.
Bỏ thuốc vì có cháu ngoại
Ông Đỗ Văn Hà, Hoàng Mai, Hà Nội, tìm tới trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, sau khi đã có thâm niên hút thuốc lá 30 năm nhưng vẫn không thể bỏ được.
Ông Hà cho biết ông nghiện thuốc lá 30 năm nay. Nhiều lần vợ, con gái đều nói bỏ thuốc lá nhưng ông Hà vẫn chưa bỏ được. Có lúc, nghĩ bệnh tật sinh ra từ thuốc lá vì bản thân ông cũng làm trong lĩnh vực dược, biết thuốc lá không tốt nhưng rất khó bỏ.
Lần gần nhất cách đây 5 năm, ông Hà bỏ được một tháng rồi lại tái nghiện. Đến khi về hưu, ông Hà vẫn hút thuốc lá rất nhiều, mỗi ngày nửa bao đến cả bao. Hôm nào khó ngủ, ông lại mang bao thuốc ra ban công hút.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, cháu ngoại chào đời, sống cùng nhà ông Hà nhưng con gái ông dứt khoát không cho ông ngoại gần cháu vì ông hút thuốc lá không tốt cho sức khỏe của cháu.
Lần đầu được lên chức ông, lại bị “xa lánh” vì tội hút thuốc lá. Ông Hà mới quyết tâm bỏ. Ông phải rất quyết tâm từ việc tránh xa các buổi tụ tập mà bạn bè hút thuốc.
Nhiều người không có đủ quyết tâm để bỏ thuốc lá. |
Mỗi lần cơn thèm thuốc lên, ông lại lấy tạm viên kẹo bạc hà nhai cho đỡ buồn. Những ngày đầu, ông cũng thấy nhạt nhẽo nhưng nếu hút một điếu là con gái phát hiện ra ngay rồi không cho ông bế cháu. Quá yêu cháu ngoại, ông càng quyết tâm bỏ thuốc. Sau 3 tháng không tái nghiện thuốc lá, thậm chí ngửi thấy mùi thuốc lá ông Hà cũng thấy khó chịu hơn.
So với trước, khi cai thuốc lá, ông không hề bị tăng cân, điều mà những người nghiện thuốc lá lâu năm sợ nhất là cai nghiện. Những ngày đầu bỏ thuốc lá, ông Hà cũng có các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đói, có thể xuất hiện các rối loạn về giấc ngủ, cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc đau đầu. Các triệu chứng cai nghiện này thường kéo dài vài giờ, đỉnh điểm trong 2-3 ngày đầu và có thể kéo dài trong một tháng.
Ông Hà cũng tự gọi điện đến tổng đài cai nghiện thuốc lá để xin tư vấn cai nghiện thành công nhất. Ở tuổi về hưu, có cháu ngoại, ông càng kiên quyết bỏ thuốc hơn.
Từ bỏ thuốc lá bằng cách nào?
Một số người có thể bỏ thuốc lá mà không cần lập kế hoạch. Một số khác cần có kế hoạch để bỏ thuốc. Thực hiện các bước sau để giúp bắt đầu với việc bỏ thuốc lá.
- Kiên quyết rằng muốn bỏ thuốc lá: Tránh suy nghĩ về việc nó có thể khó như thế nào. Thay vào đó, hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn khi không có khói thuốc.
- Tìm người hoặc nhóm người hỗ trợ: Những người nhận được hỗ trợ từ những người khác trực tuyến, trên điện thoại, với một cố vấn hoặc trong các nhóm có cơ hội thành công cao hơn.
- Tập trung vào lý do bỏ việc hút thuốc để cải thiện sức khỏe: Bảo vệ gia đình hoặc tiết kiệm tiền. Những lý do này sẽ giúp bạn kiên trì hơn.
- Nói với gia đình và bạn bè về kế hoạch ngừng hút thuốc để nhận hỗ trợ của họ: Nếu họ hút thuốc, có thể yêu cầu họ bỏ thuốc cùng. Việc làm này có thể giúp người cai thuốc có thêm người bạn đồng hành trên hành trình bỏ thuốc lá.
- Tìm hiểu về các sản phẩm hỗ trợ bỏ thuốc lá: Tìm các phương pháp để xử lý cơn thèm thuốc và những căng thẳng tinh thần kèm theo. Hiểu rõ những việc kích thích bản thân hút thuốc và nghĩ về cách đối phó với những vấn đề đó trong thời gian cai thuốc cũng như sau khi cai thuốc thành công.
- Đặt đích đến bỏ thuốc vào một thời gian cụ thể: Đặt những mục tiêu nhỏ trong vài ngày hoặc vài tuần để hướng tới mục tiêu lớn là loại bỏ hoàn toàn thuốc lá ra khỏi cuộc sống của mình. Đánh dấu ngày trên lịch của bạn. Mục tiêu càng rõ ràng càng dễ thực hiện, đồng thời cũng tạo ra một ngày ý nghĩa để ăn mừng hàng năm.
- Tìm đến bác sĩ để được tư vấn: Người hút thuốc nên cho biết họ đang trong quá trình bỏ thuốc và muốn nhận được những thông tin giúp ích. Hút thuốc là một chứng nghiện vật lý. Vì vậy, bác sĩ có thể giúp bạn thiết kế một kế hoạch bỏ thuốc lá hiệu quả nhất.