Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

600 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động

Bên cạnh đổi mới chương trình đào tạo nghề, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng làm việc cũng được đề ra nhằm cải thiện điều kiện lao động và phòng ngừa tai nạn.

Với mục tiêu thúc đẩy thị trường lao động phát triển, cùng với các chính sách đổi mới chương trình giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn đề ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề cao những giải pháp gắn kết với doanh nghiệp để giúp người lao động nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo sức khỏe và hạn chế tối thiểu những rủi ro, tai nạn không mong muốn.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 1
An toàn lao động ngày càng được đề cao.

Cụ thể, trong chương trình “Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm an toàn lao động giai đoạn 2016-2020”, bộ đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ thí điểm 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp này từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động như OHSAS 18001, SA 8000... và xây dựng văn hóa an toàn trong môi trường làm việc.

Đối với nghề có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất… chương trình đặt mục tiêu giảm trung bình hàng năm 5% tần suất lao động chết người.

Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho 15.000 người làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 20.000 người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 10.000 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, 2.000 người làm công tác y tế…

Ngoài ra, chương trình còn tổ chức đào tạo cho 1.000 cán bộ, nhân viên an toàn, vệ sinh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý như thí điểm hệ thống báo cáo, thống kê tai nạn lao động; tư vấn pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng; phân loại lao động theo điều kiện từng nghề như công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Ngoài ra, chương trình còn triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tư vấn, hỗ trợ áp dụng các mô hình phòng chống tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong doanh nghiệp.

Bên cạnh mục tiêu liên kết về an toàn, vệ sinh lao động của chương trình này, trong thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017, Bộ LĐ&TBXH cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo.

Theo Bộ LĐ&TBXH, đã có nhiều doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó có 46 trường cao đẳng trên tổng số 397 trường, chiếm tỷ lệ 11,6%; 84 trường trung cấp trên tổng số 519 trưởng, chiếm 16,1%; 181 trung tâm dạy nghề trên tổng số 1.032 trung tâm, chiếm 17,5%.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 2
Nhiều doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo để hỗ trợ người lao động.

Các doanh nghiệp thực hiện nhiều đổi mới trong đào tạo nghề nghiệp như xây dựng chuẩn đầu ra, bộ tiêu chuẩn đánh giá người học, chương trình tuyển dụng thông qua nhiều hình thức như liên kết đào tạo, giảng dạy tại doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động...

Ngoài ra, các địa phương đã quan tâm hơn đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề đã chủ động hơn khi tìm đến doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng tích cực hơn trong việc tiếp cận nhà trường để triển khai các hoạt động tăng cơ hội việc làm cho học viên, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Độc giả tham khảo thêm các chương trình phát triển thị trường lao động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại đây.

Giang Hoàng Lam

Bình luận

Bạn có thể quan tâm