Sinh ra tại Richmond (San Francisco, Mỹ), Jules Patrice Means lớn lên trong gia đình 7 người. Mẹ làm nội trợ, bố dượng làm nhà đất và 4 chị em xinh xắn, học giỏi. Cuộc sống gia đình đầm ấm, đủ ăn, mặc. Thế nhưng, hạnh phúc không kéo dài với bà được lâu.
17 tuổi, lần đầu làm mẹ, bà vất vả mưu sinh để nuôi 4 con. Khi trải qua bạo bệnh, bà lấy ước mơ đại học làm động lực sống.
Năm 2020, ở tuổi 67, bà Jules Patrice Means tốt nghiệp cử nhân ngành Tâm lý học của Đại học California tại Berkeley, trường đại học xếp thứ 28 trên thế giới.
Tuổi trẻ cơ cực và ước mơ dang dở
Trái với cuộc sống gia đình êm ấm, ở trường tiểu học, bà luôn bị bạn học phân biệt đối xử.
“Bọn trẻ ở trường gọi tôi bằng những biệt danh miệt thị, chỉ vì tôi là người da màu” - bà kể.
Khi bị bạn bè gọi là “negro" (một từ để chỉ người da màu mang tính miệt thị), bà chỉ biết về nhà kể cho mẹ bức xúc của mình: "Các bạn đặt cho con những cái tên kỳ quái, họ thậm chí còn đánh con. Con không thích là người da đen".
Mẹ của Jules, bà Marion Silk, một người phụ nữ có phẩm chất đạo đức tuyệt vời, an ủi và động viên Jules trân quý sắc tộc của mình. Bà Jules nhớ lại: "Mẹ bảo tôi tự viết kế hoạch cuôc đời của mình bằng bút chì, nhưng hãy để Chúa giữ lấy cục tẩy. Chúa sẽ chữa những lỗi sai, tìm ra con đường đúng đắn cho tôi. Bởi ngài mới là người quyết định mọi thứ".
Lên trung học, kế hoạch cuộc đời Jules đảo lộn. Năm 16 tuổi, bà dọn đến sống cùng cha ruột. Lúc mang thai ở tuổi 17, Jules bị đuổi về sống cùng mẹ. Bà quyết định dọn đến nhà người bạn trai lúc đó.
Jules nhanh chóng kết hôn trước khi đứa bé ra đời để che giấu việc mang thai. Khi đó, Jules đã bỏ học mà vẫn chưa tốt nghiệp cấp 3. Chỉ sau khi con trai ra đời vào năm 1977, Jules mới tiếp tục học xong chương trình cấp 3. Tình cảnh bấy giờ rất khó khăn, người mẹ chồng qua đời để lại cho đôi vợ chồng trẻ 4.000 USD. Số tiền này chỉ đủ để trang trải 2 tháng tiền nhà và một chiếc xe cũ.
Cuộc hôn nhân không kéo dài được lâu. Jules làm 2 công việc, vừa nhận chăm sóc một cụ già lớn tuổi vừa làm việc cho một nhà hàng. Trong một lần tình cờ, bà được nhận vào làm trợ lý phòng thí nghiệm với mức lương 400 USD/tháng. Jules giờ đây đã đủ sức nuôi con và trang trải tiền nhà.
Hai lần thoát khỏi tử thần để bắt đầu con đường đại học
Jules trải qua 2 lần đột quỵ, vào năm 2010 và 2014. Lúc đó, người chồng thứ hai của Jules đã qua đời, bà làm mẹ đơn thân của 4 cậu con trai. Để hoàn toàn hồi phục, Jules đã mất rất nhiều thời gian. Bà không thể tự đi lại, toàn bộ cơ thể bên phải đều bị tê liệt, khuôn mặt thì xệ xuống. Ba tháng liền bà tập luyện ở trung tâm phục hồi chức năng. Đó là 3 tháng đau khổ, Jules nhớ lại: "Tôi luôn trong tình cảnh muốn tự sát".
Để có động lực tập luyện và khiến cho cơ mặt trở lại bình thường, Jules luôn tự nhủ: "Mình chưa bao giờ học đại học. Mình phải nhanh chóng trở lại bình thường để có cơ hội vào đại học".
Jules càng có thêm quyết tâm, bà tập thử tất cả bài tập về cơ mặt để tìm ra phương pháp hợp nhất với mình. Khỏi bệnh, Jules đăng ký một lớp yoga tại trường Los Medanos. Tại đây, bà bị thu hút với chương trình học cao đẳng cộng đồng. Jules quyết định bắt đầu bằng việc tham gia một lớp học diễn thuyết. Đó là một bước đệm giúp Jules tiến xa sau này.
Bà Jules Patrice Means, vào ngày nhập học đại học vào năm 2017. Ở tuổi 64, bà trở thành tân sinh viên của một trong những ngôi trường danh giá thế giới. Ảnh: East Bay Times. |
Trong vòng một năm 2017, Jules hoàn thành 5 bằng cấp về tâm lý học, khoa học hành vi, khoa học xã hội, quản lý công, nghệ thuật và nhân văn. Tất cả điểm số trong quá trình học tập của bà đều là A. Không dừng lại ở đó, bà học tiếp đại học, nộp vào 3 trường.
Cô Jules - hơn cả một người bạn cùng lớp
Khi học tại Đại học California tại Berkeley, sinh viên và các nhân viên trường rất yêu mến Jules. Bà muốn được gọi là "cô Jules" để gần gũi hơn với họ. Cô Jules giống như một người thân, một người bạn dày dặn kinh nghiệm sống sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Avalon Ansara nói rằng: "Cô ấy cho tôi cảm giác của một người mẹ, rất thực. Nhờ cô, tôi được toàn điểm A học kỳ này. Tôi cũng yêu thích việc học hơn".
Một sinh viên thắc mắc Jules vì sao luôn học chăm chỉ dù điểm số đã rất cao. Bà trả lời rằng: "Cô gái trẻ, một ngày nào đó tôi đi xin việc như bạn và các tập đoàn này yêu cầu bảng điểm. Nếu tôi có tất cả điểm A, và bạn có C, bạn nghĩ họ sẽ thuê ai?".
Cho đến hôm nay, cô bé học sinh đó vẫn nhớ đến Jules và gửi email cho bà thường xuyên.
Thầy Andy Barlow, giảng viên của khoa chia sẻ về Jules: "Cô Jules hiểu sâu sắc sức mạnh của kiến thức đối với những người thiệt thòi. Sự cam kết của cô đối với việc học đã tác động tích cực đến toàn bộ lớp, đây là lớp học đạt điểm cao nhất mà tôi từng dạy".
Jules rất buồn vì lễ tốt nghiệp bị hoãn lại do đại dịch. Bà mong muốn trường sớm tố chức lễ ngoài đời. Ảnh: Berkeley News. |
Tuy vừa tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng, Jules cho biết mục tiêu cuộc đời mình không dừng lại ở đó. Bà dự định học tiếp để lấy bằng Thạc sĩ Công tác xã hội.
Bà nhắn nhủ lời khuyên đến mọi người: "Giáo dục là chìa khoá để mở ra cánh cửa ngăn cản mọi người đạt được mục tiêu. Không bao giờ là quá muộn để theo đuổi ước mơ của mình. Nếu tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được".