1. Không cho con bộc lộ cảm xúc: Người lớn có xu hướng kìm nén cảm xúc của trẻ, thậm chí không cho chúng thể hiện suy nghĩ ngay cả khi đang buồn, tức giận. Theo CNBC, trẻ cần được hiểu rằng việc bày tỏ và nói về cảm xúc của mình là một điều lành mạnh, cũng là yếu tố giúp chúng phát triển trí tuệ cảm xúc. Nếu cha mẹ nói "đừng khóc", "đừng buồn", trẻ có thể hiểu lầm rằng cảm xúc là thứ không quan trọng, tốt nhất là nên kìm nén. Khi điều này diễn ra trong thời gian dài, cảm xúc của trẻ dễ bị tổn thương và các em sẽ khó bày tỏ bản thân với người khác. Các nhà tâm lý trẻ em khuyên cha mẹ nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc, giúp các con định nghĩa cảm xúc đó, giải tỏa đúng cách. Ảnh: FirstCry Parenting.
2. Luôn giúp đỡ khi con thất bại: Là cha mẹ, điều khó khăn nhất là chứng kiến con mình vật lộn với những thử thách trong cuộc sống. Không ít người vì sợ con vất vả nên đã giúp con hoàn thành công việc đó. Tuy nhiên, suy nghĩ sai lầm này của cha mẹ có thể khiến trẻ mất đi khả năng tự xử lý tình huống và nảy sinh những quan niệm sai lầm về bản thân. Các em cũng khó phát triển khả năng tự phục hồi, trở nên thiếu tự tin trong những tình huống quan trọng. Ảnh: TODAY.
3. Không lắng nghe con: Lắng nghe con nói là cách xác nhận những suy nghĩ, cảm xúc của con và giúp các em hiểu rằng lắng nghe người khác là một việc nên làm. Tiến sĩ Jaclyn Gulotta tại Đại học Central Florida (Mỹ) nêu rằng việc lắng nghe cũng giúp trẻ thấy các em được cha mẹ tôn trọng. Yếu tố này cũng góp phần xây dựng hình ảnh cha mẹ tốt trong mắt trẻ, đồng thời hình thành mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái. "Khi cha mẹ không lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, dễ tổn thương lòng tự trọng. Những đứa trẻ lớn lên với tình trạng này dễ hình thành tâm lý phản kháng và thường xuyên cảm thấy thất vọng với mọi thứ", tiến sĩ Gulotta nói với Verywell Family. Ảnh: Verywell Mind.
4. Đòi hỏi sự hoàn hảo: Tâm lý của cha mẹ là luôn muốn con hướng đến những mục tiêu to lớn và trở thành người giỏi nhất trong mọi việc. Tuy nhiên, việc đặt ra những kỳ vọng thiếu thực tế sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận bản thân và những mục tiêu cần làm. Tiến sĩ Jaclyn Gulotta nói rằng nếu cha mẹ liên tục đòi hỏi sự hoàn hảo, trẻ dễ cảm thấy xấu hổ khi không đạt được những điều đó. Các em cũng sẽ dần hình thành những suy nghĩ tiêu cực, cho rằng bản thân không đủ giỏi, không đủ hoàn hảo trong mắt cha mẹ. "Trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ đang thất vọng khi chúng không đáp ứng được những kỳ vọng phi thực tế. Điều này khiến các em dễ lo lắng và căng thẳng", tiến sĩ nói. Ảnh: CNN.
5. Không nhất quán: Đây là sai lầm ẩn chứa nhiều mối nguy trong việc nuôi dạy con. Nếu cha mẹ không nhất quán trong phong cách dạy con, đôi khi rất nghiêm khắc nhưng đôi khi lại quá chiều chuộng, trẻ sẽ không hiểu cha mẹ mong đợi điều gì ở chúng và không biết cách thay đổi bản thân. Tiến sĩ Gulotta tin rằng việc cha mẹ dạy con thiếu nhất quán sẽ tạo ra những tín hiệu, thông tin sai lệch. Từ đó, trẻ sẽ tự cho rằng việc nghe lời là không cần thiết. Ảnh: Times of India.
6. Thích làm quá hoặc coi nhẹ những chuyện quan trọng: Nhà tâm lý học lâm sàng Emily Guarnotta cho biết những cha mẹ coi nhẹ các vấn đề của trẻ có thể vô tình bỏ lỡ những thông tin, dấu hiệu quan trọng, ví dụ như dấu hiệu trẻ đang bị bắt nạt hoặc dấu hiệu trẻ gặp vấn đề tâm lý. Mặt khác, việc làm quá mọi chuyện cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy bị kiểm soát, gặp áp lực nặng nề hơn. Để tránh gây ra những tình huống tiêu cực, trước tiên cha mẹ cần phân biệt đâu là vấn đề quan trọng để cùng con chia sẻ và xử lý kịp thời. Ảnh: Istock.
7. Không làm gương: Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn và thường dựa vào đó để phân định điều gì nên làm và không nên làm. Nếu cha mẹ có nhiều thói quen tiêu cực, trẻ sẽ bắt chước vì cho rằng những điều này không bị cấm. Ngược lại, khi được cha mẹ dẫn dắt bằng những hành vi tích cực và lành mạnh, các em sẽ biết xử lý tình huống đúng cách và tránh được những điều độc hại. Ảnh: Freepik.