Để được chứng nhận đạt chuẩn quốc gia, trường đại học (ĐH) phải có ít nhất 70% sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp chuyên môn.
Ngoài các tiêu chuẩn về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính… phải đạt chuẩn cụ thể, trường ĐH muốn đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo tiêu chuẩn sự hài lòng của sinh viên và người sử dụng lao động.
Cụ thể, bên cạnh tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn đào tạo, trường ĐH chuẩn quốc gia còn phải đáp ứng chuẩn 70% người sử dụng lao động được lấy ý kiến có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trong ba năm gần nhất hài lòng về chất lượng sinh viên (với tối thiểu 10 mẫu lấy ý kiến cho mỗi lĩnh vực đào tạo).
Trường ĐH đạt chuẩn quốc gia cũng phải có 80% số cựu sinh viên được lấy ý kiến (từ ba khóa tốt nghiệp gần nhất) hài lòng về tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khả năng thích nghi của sinh viên tốt nghiệp với môi trường công tác.
Việc công nhận trường ĐH đạt chuẩn quốc gia sẽ được Bộ GD&ĐT thực hiện khi trường ĐH đáp ứng ít nhất 90% tổng số tiêu chí của các tiêu chuẩn đã đặt ra.
Giấy chứng nhận trường ĐH đạt chuẩn quốc gia sẽ có giá trị trong 5 năm.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra quy định về trường ĐH đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Ga, trường ĐH sẽ bị thu giấy chứng nhận cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia nếu gian lận hoặc không còn đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn về trường ĐH đạt chuẩn quốc gia qua những lần kiểm tra định kỳ của Bộ GD&ĐT.
Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 9/11 tới.