Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

71 tuổi vẫn 'giật' bằng thạc sĩ Luật quốc tế

Ở tuổi 71 ông vẫn lập nên kỳ tích bằng việc giành được bằng thạc sỹ luật, với số điểm cao của một trường đại học Luật danh tiếng quốc tế. Nhiều người phải thán phục vì ý chí, nghị lực và sức khỏe của ông cụ U71.

Thạc sỹ luật U71

Chuyện về lão luật sư Bùi Thanh Nhu (SN 1942, ngụ TP.HCM) đã lớn tuổi mà vẫn còn theo nghiệp chữ từ lâu đã khiến giới sinh viên lẫn giảng viên nể phục. Ông vừa đạt tấm bằng thạc sĩ luật danh giá của trường đại học Jean Moulin Lyon 3 với số điểm cao ngất ngưởng. Tấm bằng thạc sĩ luật ông mới nhận toàn tiếng Pháp, mà theo ông Nhu thì: "100% chất lượng đào tạo của nước ngoài. Có tất cả 24 môn học về Luật quốc tế, trong đó 90% tiếng Pháp, 10% tiếng Anh. Chương trình toàn bộ giáo viên ở châu Âu qua dạy. Mỗi ngày chúng tôi học từ 18h - 21h, rồi về nhà lại phải học thêm ít nhất 2 tiếng nữa thì mới ổn. Ban ngày tôi làm ở văn phòng Luật của mình tới 16h30 về tắm rửa, ăn uống xong là tôi lại đi học. Gần 2 năm trời (2011-2013) như thế phải kiên nhẫn lắm tôi mới học được".

Ông Nhu bên tấm bằng thạc sỹ Luật quốc tế mới nhận được.

 

Để minh chứng cho việc còn đủ sức, ông Nhu vươn người đứng dậy, chạy qua chạy lại rồi ông nói: "Trông tôi thế chứ còn khỏe lắm, cháu thấy không, không hề bị còng lưng".

Rồi ông Nhu kể về khóa học của mình bằng chất giọng trẻ trung, đầy mạch lạc: "Khóa học của tôi từ năm 2011 đến năm 2012. Tuy nhiên, phải chờ khóa kế tiếp để lấy bằng nên thành thử phải chờ đến năm 2013 mới xong. Cả hai khóa có 30 học viên, trong đó khóa của tôi hơn 10 học viên thì có tới 4 người nước ngoài học. Trong đó tôi là lớn tuổi nhất, còn lại các học viên tầm 30 đến 40 tuổi".

Phải yêu nghề và sống trọn với niềm đam mê ấy thì người ta mới đủ động lực để học tập, sáng tạo. Ông Nhu cũng thế.

Ông cho biết: "Động lực để học tập của tôi là do quá trình làm nghề luật sư từ năm 2002 đến nay ở TP.HCM. Trong văn phòng tôi làm cho khách nước ngoài nhiều như Pháp, Anh, nên phải áp dụng cả luật của Việt Nam lẫn luật Quốc tế. Vì thế khóa học thạc sỹ đó có thể đáp ứng thêm về luật Quốc tế cho tôi. Có rất nhiều vấn đề cần học để có học vị thạc sỹ ấy, bởi những người đến Việt Nam để đầu tư liên hệ tôi nhờ làm thủ tục đầu tư, thủ tục cấp giấy phép đầu tư thì tôi phải hiểu và nắm rõ luật để tư vấn. Khi họ làm ăn phát sinh tranh chấp thì tôi cũng ra tòa cãi cho họ. Rồi thì người nước ngoài qua Việt Nam kết hôn khi phát sinh tranh chấp thì tôi cũng ra tòa cãi cho họ".

Cũng chính vì động lực lớn đó mà cho dù đã có hai bằng đại học luật, kèm hàng trăm vụ bào chữa thành công ông Nhu vẫn quyết học để nâng cao nghiệp vụ. Trước đó ông Nhu đã lấy được bằng đại học Luật Sài Gòn năm 1972. Sau đó ông thấy cần phải học thêm luật Xã hội chủ nghĩa, nên học thêm và lấy bằng luật của trường đại học Luật Hà Nội.

Ông Nhu cho biết: "Năm 1987 mới có pháp lệnh luật sư và ngành Luật, nên đến năm 1997 tôi được cử làm Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 2002, tôi về lại TP.HCM, bộ Tư pháp có cấp cho tôi bằng khen ngợi về thành tích công tác tốt. Từ đó cho đến nay tôi công tác trong đoàn Luật sư TP.HCM, đồng thời mở thêm văn phòng và đi khắp các nơi để bào chữa cho nhiều công ty, cá nhân".

Tuy tuổi tác đã cao, nhưng dường như với ông Nhu từ bấy đến nay nó chưa bao giờ là rào cản công việc. Ông đi bào chữa rất nhiều ở miền Tây với những vụ án tương đối lớn. Ông Nhu chia sẻ: "Cách đây mấy ngày tôi đi cãi ở Đồng Tháp cho một người bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên án 12 năm tù. Cuối cùng có nhiều tình tiết oan khiên khiến TAND hủy án cho họ. Trước đó, tôi cũng đi cãi cho một công ty nước ngoài. Xe tôi khởi hành lúc 2h sáng xuống miền Tây, làm việc xong là 12h, bắt đầu khởi hành về lại TP.HCM".

Dù đã 71 tuổi nhưng trời phú cho ông Nhu có sức khỏe phi thường. Từ khi hành nghề tới nay ông luôn làm với tần suất cao độ nhưng chưa khi nào ngã bệnh. Ông lặn lội khắp các tỉnh miền Tây như cơm bữa. Thậm chí có nhiều đợt ông Nhu còn đi bào chữa tận miền Trung, miền Bắc nhưng sức khỏe vẫn không hề hấn gì.

Bằng khen ông Nhu được bộ Tư pháp tặng sau quá trình công tác ở Ninh Thuận.

Chia sẻ kinh nghiệm quý báu

Trong học tập nhiều người cho rằng ông Nhu là tấm gương hiếu học cho lớp trẻ noi theo. Nhiều người phải thán phục khi ở tuổi 71 mà ông vẫn lấy được bằng thạc sĩ luật của một trường đại học danh tiếng nước ngoài với số điểm cao nhất.

Ông Nhu chia sẻ: "Cái thứ nhất tôi có động lực học vì liên quan đến công việc. Tôi cũng là thành viên thuộc Hiệp hội Luật sư Quốc tế (UIA) từ năm 2004. Có nhiều dịp đi hội họp mỗi năm trong Hiệp hội tôi gặp rất nhiều người trong tổ chức đó, tôi thấy thế giới có rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực luật có học vị rất cao. Nhìn lại trong nước tôi thấy mình có học vị thấp quá, từ đó nung nấu quyết định học và đạt học vị mang tầm quốc tế. Ngay khi có trường đại học Luật của quốc tế mở khóa đào tạo ở trong nước, tôi quyết định phải lấy bằng được tấm bằng để nâng cao kiến thức trong lĩnh vực mà mình lựa chọn".

Đối với ngành Luật, ông Nhu cho biết vấn đề khá cần thiết khác nữa là phải có trí nhớ tốt. Trong quá trình học 24 môn, mỗi môn 60 tín chỉ trong chương trình đào tạo luật quốc tế yêu cầu rất cao về trí nhớ cũng như lý luận. Khi đi thi mỗi người một bàn riêng và có một giám thị người Pháp canh chừng.

Theo ông thì trong phòng thi chỉ được đem theo một cây viết, ngoài ra không có bất cứ một vật gì được đem theo kể cả một tờ giấy trắng. Vì vậy đòi hỏi thí sinh phải có trí nhớ thật tốt, ngoài ra cần phải hiểu môn học đó thì mới làm được bài. Thời gian thi cũng rất nghiêm ngặt, đúng giờ là giám thị người Pháp đi, ai không nộp bài thì rớt. Tuy nhiên, do quá trình bồi bổ thường xuyên về kiến thức lẫn hay tìm tòi, nên với ông Nhu chuyện nhớ và hiểu môn học không có gì khó khăn lắm.

Không những thế, kiến thức và kinh nghiệm đã khiến ông đứng đầu trong cuộc thi cử. Ông cho biết: "Thi xong mỗi người phải làm một bản báo cáo và trình bày bằng tiếng Pháp trước hội đồng. Khâu này mới quan trọng vì rất căng thẳng. Những sinh viên khác thì sử dụng Powerpoint, một số người thì cầm giấy đọc. Riêng tôi nhờ kinh nghiệm làm trong ngành luật lâu năm, lại có am hiểu do đọc nhiều tư liệu nên tôi chỉ lên nói mà không cần giấy tờ hay gì hết. Kết quả tôi được hội đồng chấm cho điểm cao là 16/20 điểm. Trong đó một ông giáo sư có tiếng người Pháp đánh giá đó là số điểm cao nhất từ trước tới nay, làm tôi rất là cảm kích. Để làm được điều đó, tôi đã phải có quyết tâm rất lớn đồng thời phải tự tin vào bản thân rất nhiều".

Bởi yêu nghề, tin tưởng bản thân và có cả sự lạc quan cần thiết nên ông Nhu đã gặt hái được thành công như mong đợi. Giọng ông chắc nịch: "Trong quá trình học có vô vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi biết nản. Bởi vì nếu chỉ cần nhụt chí một chút thôi là kéo theo cả hệ lụy và càng ngày càng làm mình nản. Vì thế khó chỗ nào thì mình phải tìm tòi mày mò chỗ ấy để tìm bằng ra phương pháp. Có nhiều người hỏi sao lớn tuổi mà tôi còn đi học làm gì? Nhưng tôi không quan tâm và để ý lắm vì tôi làm có mục đích. Việc tôi học cũng giúp ích nhiều cho kiến thức cũng như công việc của tôi nên cố gắng cũng là chuyện đương nhiên, không quan trọng tuổi tác vì tôi còn rất khỏe mạnh".

 

"Cải tử hoàn sinh"

Chia sẻ một trong vô số kỷ niệm bào chữa, ông Nhu cho biết: "Có đợt tôi đi cãi một vụ án hình sự liên quan đến giết người năm 2005 tại Củ Chi. Đó là vụ án con giết cha. Tôi đã đeo đuổi vụ án suốt 4 năm trời, không lấy một đồng công. Theo cáo trạng thì người này có tội giết cha và theo lý sẽ mang đi tử hình. Tuy nhiên, người con này bị oan sai và tôi đã tìm ra tình tiết chứng minh anh ta bị oan sai, vô tội. Cuối cùng họ phải thả anh ta ra vì không có cơ sở để kết tội".

 

Theo Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm