Bức thư nắn nót với những dòng chữ đều đẹp, trọn 2 mặt tờ giấy A4. Trong thư, Nhung bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của ông Nguyễn Bá Thanh dành cho mình, dẫu chưa biết kết quả thế nào.
Là một sinh viên được đào tạo môi trường sư phạm, Nhung chia sẻ khát vọng của mình: “Cháu có nhiều thầy cô đã giảng dạy mình rất đáng kính và khâm phục, cháu mong muốn cũng trở thành người công tâm như họ”, Nhung viết. Tuy nhiên, Nhung trăn trở: “Có lúc cháu đã suy nghĩ nên bỏ dạy, tìm một công việc khác, vì đã xác định đi dạy phải đứng trên bục giảng, giảng dạy cho học sinh không chỉ biết về kiến thức mà còn biết cả những điều tốt đẹp để làm nên một công dân có ích. Vậy mà giáo viên lại phải “không minh bạch” trong khi xin việc thì liệu rằng còn xứng đáng”.
Bức thư của Trang Nhung gửi ông Nguyễn Bá Thanh. |
Trang Nhung không khỏi thắc mắc: "Các đợt tuyển viên chức (giáo viên biên chế) có cách thức, tiêu chí rõ ràng, nhưng rất tiếc lại tuyển với số lượng rất ít. Trong khi xét tuyển giáo viên hợp đồng lại không có tiêu chí, cách thức tuyển dụng, chỉ tiêu cụ thể".
“Suốt thời gian dài xin việc, cháu tìm cách để xin tuyển giáo viên hợp đồng theo ngân sách, mà vẫn không được”. Nhung gửi kiến nghị: "Cháu mong muốn tuyển dụng giáo viên hợp đồng có tiêu chí, cách thức rõ ràng, để những trường hợp như cháu - không biết đi đâu về đâu không đậu thi biên chế vẫn tìm thấy hy vọng ở các đợt xét tuyển giáo viên hợp đồng".
Nữ thạc sĩ trẻ mạnh dạn đề cập một vấn đề lớn hơn, khi chính mình là “nạn nhân” của tình trạng đào tạo tràn lan. Nhung mong bác Thanh hiểu thực tế “những người học sư phạm ra trường như cháu thất nghiệp quá đông, trong khi hàng năm các trường sư phạm vẫn đào tạo ồ ạt hàng loạt sinh viên. Cần có một sự thắt chặt đào tạo để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động xã hội hiện nay”.
Ước nguyện cuối cùng là thấy con trên bục giảng
Tìm nhà Nhung trên kiệt đường Phạm Văn Đồng, căn nhà hay đóng cửa im ỉm. Bà Lê Thị Giỏi, mẹ Nhung dáng vẻ tiều tụy. Bà bảo: Mấy ngày nay sau khi rộ thông tin con bà được bác Thanh “bút phê” hồ sơ, người chia sẻ nhiều, người phản ứng cũng không ít. Áp lực khiến bà sút 5kg, hai lần nhập viện vì những cơn suy tim, suy động mạch tĩnh.
“Cháu Nhung cũng áp lực lắm chú! Nhiều lúc thấy tội, cháu không dám lên mạng đọc tin về mình vì những luồng dư luận “ném đá”. Tôi cũng thấy một phần có lỗi. Thực lòng, với tư cách một cử tri, tôi chỉ muốn kiến nghị thực trạng rất nhiều thạc sĩ, cử nhân, người giỏi thất nghiệp và cơ chế tuyển dụng có nhiều dấu hiệu không minh bạch.
Nhưng bác Thanh hỏi về trường hợp cụ thể, nên tôi nói ra cháu Nhung nhà mình. Chuyện bác bút phê thế nào, tôi không rõ. Điều tôi ấm lòng nhất, khi những trường hợp như cháu Nhung cần phải những lãnh đạo cấp cao biết, chia sẻ. Nhiều người bảo tôi gặp “ông tiên”, chuyện cổ tích giữa đời thường...
Bà Giỏi trăn trở: Tôi sợ mình gây áp lực cho bác Thanh, cho Sở GD&ĐT, cho cả cháu Nhung. Tôi muốn nhắn gửi, trong bất kỳ trường hợp gì, gia đình tôi rất cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ của bác Thanh dù trước đó không hề có sự thân quen gì. Bác làm vì cái chung, chúng tôi luôn luôn tôn trọng.
53 tuổi, chục năm nay, bà Giỏi phải chống chọi với những căn bệnh hành hạ. Dọc cửa sổ nhà, chỗ nào cũng thấy bình nước lọc để sẵn. “Ước nguyện lớn nhất và cuối cùng của tôi là thấy con có công việc, được toại nguyện là người giáo viên đứng trên bục giảng. Chỉ mong cháu có thể được vào diện hợp đồng, để có cơ hội phấn đấu tiếp”.
Tuyển dụng theo quy trình
Sáng 4/10, ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) xác nhận: Phòng vừa nhận hồ sơ của Nhung từ Giám đốc Sở GD&ĐT. Bên trên đề nét “bút phê” của ông Nguyễn Bá Thanh “Kính chuyển A.Chinh (Lê Trung Chinh), Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo”.
Bút phê đúng ngày 24/9 - buổi tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Bá Thanh với huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), một ngày sau khi nhận hồ sơ của cử tri. Trước đó, hồ sơ được chuyển đến Đoàn ĐBQH Đà Nẵng ngày 25/9 và đến Sở GD&ĐT ngày 26/9.
Theo ông Đặng Thanh Phòng đang hoàn chỉnh báo cáo về việc kiểm tra hồ sơ, kết quả thi tuyển vào ngành Giáo dục nhưng không đạt những năm gần đây của Nhung để báo cáo Sở theo chỉ đạo của Giám đốc Sở. Ông Đặng Thanh cho hay: "Tuyển dụng giáo viên theo đúng quy trình quy định, công khai minh bạch các phần thi học tập, thực hành (soạn giáo án, thể hiện giáo án)".
Về xét tuyển giáo viên hợp đồng, ông Thanh thừa nhận: "Sở không có quy định, chỉ tiêu cụ thể vì phải theo nhu cầu thực tế, sự thay đổi bất thường trong đội ngũ giáo viên do chuyển công tác, ốm đau, qua đời... nên cần lượng giáo viên hợp đồng thay thế".
“Chúng tôi xét chọn từ trên cao xuống những giáo viên có kết quả thi biên chế trong năm. Ở trường hợp này, Nhung cũng khó vì đứng vị trí khá xa nhu cầu”, ông Thanh nói.