Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (NHTSA) vừa thông báo về việc mở một cuộc điều tra sơ bộ về hệ thống hỗ trợ tự lái Autopilot trên loạt xe Tesla sản xuất trong giai đoạn 2014-2021.
Theo Reuters, có khoảng 765.000 chiếc xe điện, gồm Model 3, Model S, Model X và Model Y nằm trong diện liên quan của vụ điều tra này.
Tai nạn nghiêm trọng do xe Tesla sử dụng Autopilot. Ảnh: Carscoops. |
Nguyên nhân khiến công nghệ nổi tiếng của Tesla bị đặt nghi vấn và điều tra chính thức là một loạt tai nạn xảy ra tại Mỹ. Đáng kể nhất là vụ việc chiếc Tesla đã gây tai nạn liên hoàn cho xe cảnh sát và xe cứu thương ở bang Arizona.
Tính từ tháng 1/2018, NHTSA cho biết đã ghi nhận 11 vụ va chạm có liên quan đến hệ thống Autopilot hoặc chức năng Traffic Aware Cruise Control (kiểm soát hành trình thông minh). Trong đó, số người bị thương là 17 và có một trường hợp tử vong. Đáng chú ý, thống kê cho thấy hầu hết tai nạn xảy ra vào ban đêm.
Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy một năm xe Tesla bị điều tra về độ an toàn. Hồi tháng 6, NHTSA thông báo họ đã lật lại hồ sơ để xem xét 30 vụ tai nạn của xe Tesla kể từ năm 2016 khiến 10 người tử vong, nguyên nhân cũng đến từ sự nghi ngờ dành cho tính năng hỗ trợ lái trên xe Tesla.
Autopilot không phải là hệ thống tự lái hoàn toàn như nhiều người lầm tưởng. Ảnh: Carscoops. |
Thực tế, hệ thống Autopilot không phải là công nghệ tự lái hoàn toàn như nhiều người nghĩ. Đây là tập hợp của nhiều chức năng hỗ trợ lái như kiểm soát hành trình thông minh, hỗ trợ giữ làn, hỗ trợ chuyển làn…
Autopilot được xếp hạng là hệ thống tự hành ở cấp độ 2 trong thang đánh giá từ 0 đến 5 của Hiệp hội Kỹ sư Ôtô (SAE). Ở cấp độ 2, người lái được yêu cầu kiểm soát vô-lăng, chân ga và chân phanh để can thiệp trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên nhiều tài xế Tesla không quan tâm đến vấn đề này và hoàn toàn tin tưởng vào chiếc xe của mình.