Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 bộ phim có thời gian thực hiện lâu kỷ lục

Quá trình thực hiện một bộ phim kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đây là những tác phẩm điện ảnh có thời gian hoàn thành lâu kỷ lục trong lịch sử điện ảnh.

Sleeping Beauty (1959) - 8 năm: Bộ phim hoạt hình kinh điển của hãng Walt Disney mất tới gần một thập kỷ mới có thể ra mắt công chúng. Đây là một điều không khó hiểu bởi tại thời điểm thập niên 1950, các khung hình đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.

Thêm nữa, trước khi Sleeping Beauty được thực hiện, toàn bộ tác phẩm cần được diễn trên sân khấu với một dàn diễn viên người thật, để nhóm chuyên viên hoạt hình có thể tái hiện chính xác các động tác và cử chỉ nhân vật trên các bức vẽ hoạt họa.

Cronos (1993) - 8 năm: Bộ phim kinh dị là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Guillermo del Toro, đạo diễn của nhiều bom tấn đặc sắc sau này như Hellboy, Pacific Rim… Ông vốn nổi tiếng là một người tỉ mỉ trong công việc, nhưng quá trình thực hiện Cronos bị kéo dài là bởi kinh phí làm phim lên quá mức cho phép, khiến việc quay phim buộc phải tạm ngưng.

Guillermo del Toro chia sẻ ông phải đi vay tiền với lãi suất rất cao để “nuôi sống” Cronos. Đồng thời nam diễn viên Ron Perlman cũng chấp nhận giảm cát-xê để bớt gánh nặng về tài chính cho vị đạo diễn. Dù Cronos không được đánh giá quá cao nhưng tác phẩm là tiền đề để del Toro thực hiện các phim Hellboy sau này.

The Simpsons Movie (2007) - 9 năm: Là phiên bản điện ảnh của loạt phim truyền hình ăn khách The Simpsons, The Simpsons Movie được khởi thảo từ năm 1997. Nhưng phải đến 9 năm sau, bộ phim điện ảnh về gia đình nhà Simpson mới chính thức ra mắt.

Sở dĩ phim mất nhiều thời gian để thực hiện như vậy là vì vấn đề kịch bản. Từng có tới 160 kịch bản được viết ra cho The Simpsons Movie, trong đó có nhiều ý tưởng cuối cùng lại được đưa lên sóng truyền hình trước. Tuy không thể vượt qua cái bóng khổng lồ của loạt phim truyền hình, nhưng The Simpsons Movie vẫn có được doanh thu đáng nể tại các phòng vé.

Avatar (2009) - 10 năm: Siêu bom tấn ăn khách nhất mọi thời đại Avatar của đạo diễn James Cameron mất tròn 10 năm để hoàn thành. Trên thực tế, Cameron dự định bấm máy bộ phim ngay sau khi Titanic ra mắt, nhưng kế hoạch này buộc phải trì hoãn do những giới hạn về mặt công nghệ.

Công tác chuẩn bị và thực hiện cho phim bắt đầu từ năm 1999 với rất nhiều giai đoạn: tạo ra một thế giới Pandora kỳ ảo trên màn ảnh, sáng tạo ra ngôn ngữ riêng cho người Na’vi trong phim… Cuối cùng, đoàn làm phim được tưởng thưởng xứng đáng khi Avatar trở thành bom tấn phòng vé, đồng thời ẵm ba tượng vàng Oscar vào đầu năm 2010.

Roar (1981) - 11 năm: Đây thường được mệnh danh là “bộ phim truyện truyền hình đắt đỏ nhất mọi thời đại” khi mất 11 năm để thực hiện, tiêu tốn 17 triệu USD nhưng chỉ có thể thu về vỏn vẹn 2 triệu USD.

Quá trình quay phim ban đầu của Roar kéo dài trong bốn năm, nhưng rồi rắc rối xảy ra khi một trận lũ cuốn phăng đi trường quay của bộ phim, đồng thời cướp đi sinh mạng của nhiều chú sư tử. Điều tệ hơn là rất nhiều đoạn phim đã quay xong cũng bị cuốn theo cơn lũ, khiến toàn bộ đoàn làm phim phải làm việc lại từ đầu.

Boyhood (2014) - 12 năm: Bộ phim là một trong những ứng cử viên nặng ký tại Oscar 2015 và từng có màn ra mắt hết sức thành công tại LHP Sundance 2014. Boyhood mất tới 12 năm để thực hiện bởi đạo diễn Richard Linklater muốn tái hiện giai đoạn trưởng thành của một cậu bé từ lúc còn nhỏ cho đến khi sắp bước vào giảng đường đại học một cách chân thực nhất.

Cứ mỗi năm, vị đạo diễn cùng dàn diễn viên lại âm thầm bỏ ra vài tuần quay phim nhằm đặc tả chính xác quá trình lớn lên của cậu bé Mason (Ellar Coltrane) từ khi 6 tuổi cho tới lúc 18 tuổi. Boyhood hiện được khán giả ưu ái và giới phê bình đánh giá rất cao nhờ cách làm phim đột phá cùng nội dung giàu ý nghĩa.

Lowlands (1954) - 20 năm: Biên kịch kiêm đạo diễn Leni Riefenstahl bắt đầu viết kịch bản cho Lowlands từ năm 1934, nhưng bà nhiều lần phải tạm ngưng công việc để tập trung sản xuất các bộ phim tuyên truyền cho quân đội Đức Quốc Xã. Chỉ sau khi tạo được mối quan hệ với Hitler, Riefenstahl mới được phép mở công ty sản xuất phim riêng và bắt đầu khởi quay Lowlands vào năm 1940.

Quá trình quay phim kéo dài bốn năm, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, bản phim lại bị chính quyền nước Pháp tịch thu mất vài năm. Khi được trao trả, nhiều đoạn phim của Lowlands bị thất lạc, hậu quả là phiên bản phim ra mắt năm 1954 không hề được đánh giá cao.

The Thief and the Cobbler (1993) - 28 năm: Đạo diễn, biên kịch, họa sĩ hoạt họa Richard Williams mất một quãng thời gian tương đương khoảng 1/3 cuộc đời con người để thực hiện bộ phim hoạt hình này. Ông ấp ủ The Thief and the Cobbler từ năm 1964, nhưng do nguồn kinh phí bấp bênh mà thời gian thực hiện bộ phim cứ thế kéo dài tưởng như mãi mãi.

Tới năm 1988, nhờ tham gia trong cú hit phòng vé Who Frame Roger Rabbit mà Richard Williams mới có đủ nguồn kinh phí và thỏa thuận được với hãng Warner Bros. trong việc phát hành. Tuy nhiên, do tiếp tục để dự án phim kéo dài và vượt mức kinh phí dự kiến mà vị cha đẻ của dự án mất quyền kiểm soát The Thief and the Cobbler và bộ phim được hoàn thành năm 1993 mà không có sự tham gia của ông.

T.L. (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm