1. Phản ứng thái quá: Viện Tâm trí Trẻ em Mỹ cho biết hành vi gây rối ở trẻ dưới 10 tuổi có thể là biểu hiện của tâm lý lo lắng không được người khác để ý. Trẻ phản ứng thái quá khi cảm thấy khó chịu, đè nén bên trong vì cảm thấy bị đe dọa. Sự khó chịu này khiến chúng mất kiểm soát dẫn đến hành vi gây rối. Lúc này, bố mẹ cần cho con trò chuyện với chuyên gia tâm lý để con hiểu được phản ứng của mình và nhận ra đang sống trong môi trường an toàn. Ảnh: Brightside. |
2. Thường xuyên tức giận: Nếu trẻ thường xuyên tức giận, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu trẻ đang lo lắng quá mức, thậm chí mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp xác định lý do trẻ tức giận và đưa ra giải pháp phù hợp. Ảnh: Popsugar. |
3. Buồn và lo lắng liên tục: Nếu trẻ buồn bã, lo lắng mà không rõ lý do, người lớn cần quan tâm tìm hiểu. Nếu con không tìm thấy sự thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ và không thấy bình yên trong chính ngôi nhà mình, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý. Thông thường, trẻ nhỏ dễ nhận ra cha mẹ đang cố giúp đỡ. Điều đó khiến chúng bình tĩnh lại. Nhưng nếu trẻ mắc kẹt với nỗi buồn lo, ám ảnh mà không muốn tâm sự, chúng có thể mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Ảnh: Brightside. |
4. Thành tích học tập kém không lý do: Việc điểm số ở trường của con giảm đột ngột có thể là dấu hiệu mà cha mẹ cần quan tâm. Đôi khi, đây có thể là hậu quả từ việc bị bạn học bắt nạt hoặc do chính tâm lý trẻ. Vì vậy, ở trường hợp này, phụ huynh nên tìm hiểu thông qua giáo viên trước để đánh giá liệu con có cần trị liệu tâm lý. Ảnh: Psychcentral. |
5. Thích ở một mình: Thỉnh thoảng, trẻ cần khoảng thời gian ở một mình, tĩnh lặng, không có người khác. Nhưng một số trẻ ít nói và luôn chỉ thích ở một mình. Nếu thấy con như vậy, phụ huynh cần hỏi giáo viên xem họ có nhận thấy điều tương tự và đưa con gặp bác sĩ tâm lý khi cần thiết. Ảnh: iStock. |
6. Không thể tập trung: Nhiều trẻ thích mơ mộng và tưởng tượng. Nhưng chúng vẫn dành thời gian nhất định để làm bài tập đúng giờ, học viết, đọc chính xác. Cha mẹ cần lưu tâm khi con giảm khả năng tập trung đến mức không thể ngồi yên, dễ phân tâm, khó học. Bác sĩ trị liệu tâm lý có thể thông qua quan sát, trò chuyện để xác định trẻ mắc chứng khó đọc hay ADHD. Ảnh: Brightside. |
7. Ám ảnh và ép buộc: Nếu nhận thấy con ám ảnh hơn so với bạn cùng tuổi, bố mẹ nên chú ý. Đây là một trong những biểu hiện rõ nhất của chứng OCD. Khi ám ảnh này ảnh hưởng xấu tới trẻ, chúng không thể thực hiện công việc hàng ngày. Phụ huynh cần đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý. Ảnh: Brightside. |
8. Đột ngột thay đổi thói quen ngủ: Cha mẹ thường cố rèn con thói quen ngủ lành mạnh từ nhỏ. Việc thói quen ngủ bất thường liên quan các vấn đề hành vi. Mối quan hệ giữa phát triển thể chất, cảm xúc và chất lượng giấc ngủ rất quan trọng. Việc không ngủ đủ giấc ảnh hưởng sự phát triển não bộ, hoạt động hàng ngày của trẻ. Vì thế, khi con bắt đầu thấy khó ngủ, mất ngủ và mệt mỏi liên tục, cha mẹ cần đưa con gặp bác sĩ tâm lý. Ảnh: Brightside. |