![]() |
Mệt mỏi và đầu óc chậm chạp: Theo India Times, chức năng gan tổn thương rất dễ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải, đầu óc chậm chạp như chưa hề được nghỉ ngơi sau khi ngủ dậy. Thông thường, trong khi chúng ta ngủ, gan vẫn âm thầm thực hiện các chức năng quan trọng như thải độc, điều hòa đường huyết và chuyển hóa năng lượng. Khi gan bị tổn thương hoặc tích tụ mỡ, những quá trình này bị gián đoạn, khiến cơ thể không được phục hồi đúng cách sau một đêm nghỉ ngơi. Kết quả là buổi sáng bắt đầu với cảm giác nặng nề, thiếu tỉnh táo, dù bề ngoài không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Ảnh: Woman’s Recovery. |
![]() |
Khô, đắng miệng và hơi thở hôi: Cảm giác khô miệng khi thức dậy vào buổi sáng là điều bình thường do cơ thể bị mất nước sau một đêm dài. Tuy nhiên, đôi khi đó có thể là dấu hiệu gan đang gặp trục trặc. Nguyên nhân là khi gan suy yếu, quá trình chuyển hóa mật bị ảnh hưởng, mật có thể bị trào ngược lên dạ dày và thực quản, gây ra cảm giác đắng miệng. Ngoài ra, chức năng gan kém cũng làm giảm khả năng sản xuất nước bọt, dẫn đến khô miệng. Gan chứa độc tố cũng tạo ra mùi được mô tả là "mốc, hăng và ngọt kỳ lạ" - thậm chí đôi khi giống mùi phân. Ảnh: Shutterstock. |
![]() |
Da vàng: Theo Sohu, gan là cơ quan chính của cơ thể xử lý bilirubin (sắc tố màu vàng, được sinh ra trong quá trình thoái giáng các tế bào hồng cầu, bài tiết trong dịch mật). Khi không thể chuyển hóa hiệu quả các chất này, bilirubin sẽ tích tụ trong máu, gây ra dấu hiệu vàng da. Trạng thái này có thể hiện rõ nhất vào buổi sáng nên bạn cần chú ý. Ảnh: Healthline. |
![]() |
Chảy máu nướu răng: Nếu thường xuyên bị chảy máu nướu răng vào buổi sáng, bạn nên cảnh giác, theo Family Doctor. Nó không đơn giản là vấn đề về răng miệng mà còn cảnh báo gan có vấn đề. Khi gan bị bệnh, chức năng sản xuất các yếu tố đông máu của gan sẽ giảm đi. Điều này có thể gây chảy máu nướu răng khi bạn đánh răng vào buổi sáng. Triệu chứng này đặc biệt phổ biến ở những người bị xơ gan hay gan nhiễm mỡ. Ảnh: Absolutedental. |
![]() |
Bị đau và khô mắt: Theo Very Well Health, sức khỏe của mắt và gan có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Gan có nhiệm vụ lưu trữ và điều hòa máu trong cơ thể, vì thế, khi nó hoạt động kém, mắt có thể bị ảnh hưởng lớn. Khi chức năng gan bị suy giảm đáng kể, mắt cũng phát ra tín hiệu, bị khô và đau mắt hoặc tăng tiết dịch, đặc biệt rõ rệt sau khi thức dậy vào buổi sáng. Ảnh: Freepik. |
![]() |
Chướng, đau bụng: Theo India Times, nếu bụng đột nhiên phình to, căng tức và khó giảm, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn chứng đầy hơi thông thường. Áp lực tăng lên trong các mạch máu xung quanh gan có thể gây tích tụ dịch trong khoang bụng, dẫn đến tình trạng chướng bụng kéo dài. Ngoài biểu hiện này, gan gặp vấn đề còn có thể gây đau ở vùng bụng trên hoặc hạ sườn phải - vị trí của gan trong cơ thể. Vì vậy, nếu vào buổi sáng, bạn thấy đau ở vùng bụng trên bên phải, hãy cảnh giác. Nếu triệu chứng đi kèm với mệt mỏi, vàng da hoặc buồn nôn, nguy cơ tổn thương gan càng cao. Ảnh: Shutterstock. |
![]() |
Buồn nôn, chán ăn: Theo Healthline, gan không chỉ đóng vai trò lọc độc tố mà còn tiết dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa. Khi gan bị tổn thương hoặc nhiễm độc, quá trình sản xuất dịch mật bị gián đoạn, khiến việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn. Dịch mật do tế bào gan sản xuất giúp tiêu hóa chất béo khi chúng ta ăn. Khi lượng dịch mật không đủ, chất béo không được tiêu hoá hết gây ra buồn nôn và chán ăn. Sự tích tụ độc tố trong cơ thể làm tăng gánh nặng lên gan, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, chán ăn hoặc ăn không ngon. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, cảm giác nặng bụng sau khi ăn. Ảnh: NIDDK. |
![]() |
Nước tiểu sẫm màu: Sự thay đổi màu sắc của nước tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo gan đang quá tải độc tố. Nước tiểu bình thường có màu trong hoặc vàng nhạt khi cơ thể khỏe mạnh và được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, nếu nước tiểu sẫm màu, giống màu nước trà, đó có thể là dấu hiệu mức bilirubin trong cơ thể tăng cao do gan không kịp chuyển hóa. Một phần bilirubin sẽ đi vào máu và nước tiểu khiến màu sắc của nước tiểu thay đổi. Ảnh: Medical Channel Asia. |
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...