Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy giảm thị lực

Bác sĩ Thùy Linh cho biết trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhược thị.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ 2 tuổi đã biết sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, cứ 10 bé sẽ có 7 trường hợp được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

Việc nhìn gần và tiếp xúc ánh sáng xanh trong thời gian dài nhưng lại ít tham gia các hoạt động ngoài trời khiến bệnh cận thị ở trẻ tăng nhanh. Trước tình hình dịch bệnh, trẻ hạn chế ra ngoài, thiết bị điện tử lại trở thành "người bạn thân thiết".

Dấu hiệu mắt trẻ suy giảm thị lực

Bác sĩ Võ Thị Thùy Linh, Trưởng khoa 3CK, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, cho biết tình trạng trẻ bị cận thị đang có chiều hướng tăng cao. Nhiều cha mẹ không chú trọng việc khám mắt định kỳ cho con để phát hiện các tật khúc xạ. Nếu trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhược thị, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của con.

Theo bác sĩ Linh, khi bạn phát hiện con có một trong các biểu hiện dưới đây, rất có thể trẻ đã bị suy giảm thị lực:

- Trẻ thường xuyên xem tivi hoặc đọc sách với khoảng cách gần.

- Trẻ thường xuyên dụi mắt.

- Lạc chỗ khi đọc hoặc phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt.

- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng hoặc bị chảy nước mắt nhiều hơn bình thường.

- Trẻ nhắm một mắt khi đọc sách hoặc xem tivi.

- Trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu để quan sát bảng rõ hơn.

- Kết quả học tập giảm sút.

- Đau mỏi mắt khi dùng máy tính.

dau hieu mat suy giam thi luc anh 1

Nhiều cha mẹ không chú trọng việc khám mắt định kỳ cho con để phát hiện các tật khúc xạ. Ảnh: The Japan Times.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ em dưới 6 tuổi nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động. Giai đoạn từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi là thời gian còn trong quá trình phát triển về cấu trúc trục nhãn cầu cũng như chức năng thị giác.

"Quá trình này ảnh hưởng bởi phần ít yếu tố di truyền và phổ biến là do môi trường, thói quen sinh hoạt mắt của trẻ. Vì vậy, sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm sẽ gây hại đến mắt của trẻ rất nhiều", bác sĩ Thùy Linh nói.

Thời gian dùng thiết bị điện tử phù hợp

Cả người lớn và trẻ em đều bị ảnh hưởng mắt khi tiếp xúc các thiết bị điện tử. Khoảng cách xem tivi nên giữ tối thiểu là 4 m, không tiếp xúc các thiết bị điện tử quá 2 tiếng/ngày, mỗi lần không quá 45 phút, có khoảng nghỉ ngơi cho mắt thư giãn 5-10 phút.

Theo bác sĩ Linh, điện thoại thông minh hay đồ dùng công nghệ không xấu, nhưng do quá lạm dụng nên có những tác động không tích cực lên con người, đặc biệt là trẻ em. Để phòng tránh tật cận thị cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi, chơi điện tử quá 2 giờ liên tục. Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn. Ngoài ra, cha mẹ không nên cho trẻ đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, để tránh các bệnh liên quan tật khúc xạ, cha mẹ cần hướng dẫn con ngồi học thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30 cm, học trong phòng đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn, đèn để phía đối diện với tay cầm bút.

dau hieu mat suy giam thi luc anh 2

Cha mẹ không nên cho chon tiếp xúc các thiết bị điện tử quá 2 tiếng/ngày. Ảnh: Sohu.

Đôi mắt là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, vì thế luôn cần được sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Ngoài chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, chúng cũng cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày như vitamin A, C, Omega-3, beta-caroten, lutein, selenium,...

Các chất này có nhiều trong thực phẩm như:

- Vitamin A: Gan động vật, các loại trứng, sữa, cá chép, thịt vịt.

- Beta-caroten (sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể): Các loại rau củ quả có màu vàng cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ, súp lơ xanh, rau ngót, rau bina.

- Vitamin C (tăng cường thị lực, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể): Chanh, bưởi, dâu tây, cà chua,rau ngót, súp lơ, cải bẹ trắng, thì là, hành lá, nho, dứa.

- Vitamin E (giảm nguy cơ mắc bệnh cườm mắt, chống oxy hoá): Các loại dầu thực vật như đậu nành, đậu phộng, hạt (hạt bí, hạt dưa).

- Lutein: Bắp (ngô), cải bó xôi, trứng, cải xoăn.

- Selenium: Hải sản, thịt, trứng, ngũ cốc, gan, cật.

Điều cần biết khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19 Trừ một số trường hợp có bệnh nền, trẻ em mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Phụ huynh cần chú ý giữ vững tinh thần, tránh mang lại cảm giác hoang mang cho các bé.

Bộ Y tế: Hạn chế cho trẻ chưa tiêm vaccine ra ngoài

Bộ Y tế cho hay trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Do đó, nếu không thực sự cần thiết, cha mẹ, người lớn cần tránh cho trẻ ra đường.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm