Chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây béo bụng. Ảnh: Freepik. |
Mỡ bụng chia làm hai loại: Mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Hai loại này đều có thể gây hại cho sức khỏe nhưng mỡ nội tạng nguy hiểm hơn. Mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan nội tạng (gan, dạ dày, ruột). Đây là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Mỡ dưới da nằm ngay dưới da, có tác dụng dự trữ năng lượng và điều chỉnh thân nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, mỡ dưới da có chức năng như một lớp đệm để bảo vệ cơ và xương khỏi tác động của ngoại lực.
Mỡ dưới da là phần quan trọng không thể thiếu, nhưng cơ thể tích trữ quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân cùng các bệnh nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, huyết áp cao...
Để có cơ thể khỏe mạnh, vòng eo săn chắc, chúng ta cần hạn chế những loại thực phẩm sau vì chúng thúc đẩy quá trình tích mỡ.
Bánh ngọt
Các loại bánh ngọt làm sẵn thường nhiều đường, chất tạo màu, chứa nhiều chất béo chuyển hóa, gây tích mỡ bụng, có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, chất béo chuyển hóa không tốt cho tim mạch, có thể dẫn đến các bệnh lý như béo phì, tim mạch, tiểu đường.
Nếu thèm ăn bánh ngọt, chúng ta có thể thử làm tại nhà với các nguyên liệu lành mạnh hơn như dừa, dầu ô liu. Bạn nên hạn chế mua bánh chế biến sẵn.
Bánh mì trắng
Bánh mì trắng có hàm lượng chất xơ thấp. Vì thế, ăn bánh mì trắng no nhanh nhưng cũng nhanh đói. Chất xơ làm tăng cảm giác no. Do đó, chúng ta nên lựa chọn các loại lành mạnh hơn như bánh mì đen, bánh mì ngũ cốc.
Ngoài ra, lượng chất xơ cũng liên quan đến việc giảm mỡ bụng. Một nghiên cứu quan sát cho thấy cứ tăng 10 gram lượng chất xơ hòa tan, lượng mỡ bụng sẽ giảm 3,7% trong khoảng 5 năm.
Theo trang Eat this, Not that!, Hướng dẫn ăn kiêng cho người Mỹ khuyến nghị phụ nữ nên tiêu thụ 22-28 gram chất xơ mỗi ngày, với nam giới là 28-34 gram tùy độ tuổi. Các loại hạt, đậu lăng, bột yến mạch, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả là nguồn cung cấp chất xơ lành mạnh.
Bánh mì trắng ít chất xơ dẫn đến việc ăn nó, mọi người nhanh no nhưng cũng đói nhanh. Ảnh: Freepik. |
Ngũ cốc
Thực phẩm gây ngạc nhiên nhất trong danh sách này là ngũ cốc - món ăn sáng phổ biến của nhiều gia đình. Nguyên nhân là đa số loại ngũ cốc trên thị trường đều chứa nhiều đường, gây béo bụng và phá vỡ hệ vi sinh đường ruột.
Theo nghiên cứu khoa học, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn tiêu hóa, tăng cân, tăng tỷ lệ mỡ nội tạng.
Nếu ăn ngũ cốc, bạn nên chọn loại có dưới 5 gram đường/khẩu phần ăn.
Nước ngọt
Một lon nước ngọt chứa khoảng 40 gram đường bổ sung (có tác dụng tăng hương vị). Lượng đường này vượt quá khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều đường làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, dẫn đến kháng insulin.
Ngoài ra, lượng calo từ nước ngọt chuyển hóa thành chất béo, gây tăng cân và có hại cho gan. Nước ngọt là một trong những loại đồ uống có đường phổ biến nhất. Nhưng bên cạnh đó, mọi người còn béo bụng do các “thủ phạm” tương tự, bao gồm nước ép trái cây (vì thường thêm nhiều đường), nước tăng lực, cà phê và trà ngọt.
Cocktail
Cocktail có thể phá hỏng cơ bụng. Chúng làm tăng gấp đôi tỷ lệ viêm phúc mạc (lớp lót của thành trong của bụng, đóng vai trò lớp bao phủ các cơ quan trong bụng). Một ly cocktail Margarita chứa tới hơn 30 gram đường bổ sung, gây viêm phúc mạc và béo bụng.
Uống nhiều đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng tới hoạt động của gan, thận. Các nghiên cứu cho thấy rượu khiến tỷ lệ mỡ nội tạng tăng, dẫn đến một loạt biến chứng tiềm ẩn.
Để giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn, bạn nên chọn loại không thêm đường và không uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày.
Cocktail là thức uống được nhiều người ưa chuộng nhưng nó tăng nguy cơ béo bụng. Ảnh: Freepik. |
Bắp rang bơ
Bắp rang bơ là một trong những thực phẩm gây béo bụng nhiều nhất. Dù có nguồn chất xơ dồi dào, khi kết hợp với bơ, chocolate, phô mai, bắp rang bơ lại chứa rất nhiều calo và chất béo chuyển hóa.
Chất này có thể làm tích mỡ bụng, dẫn tới béo phì. Tuy nhiên, bỏng ngô vẫn có thể là món ăn vặt bổ dưỡng nếu không thêm phụ gia.
Thanh protein
Đây là lựa chọn tiện lợi khi chúng ta cần nạp calo lúc bận rộn, nhưng chúng thường chứa những thành phần không lành mạnh. Đa số thanh protein đều chứa nhiều đường và hương liệu.
Vì vậy, bạn nên tìm mua loại có tối thiểu 3 gram chất xơ, dưới 5 gram đường bổ sung, không có chất béo chuyển hóa. Tốt hơn nữa, chúng ta có thể nấu ăn ở nhà để kiểm soát loại thực phẩm nạp vào cơ thể.
Khoai tây chiên
Loại thực phẩm cuối cùng trong danh sách là khoai tây chiên - món khoái khẩu của nhiều người.
Khoai tây chiên chứa nhiều tinh bột, dầu mỡ, muối. Chất béo chuyển hóa và muối có trong khoai tây chiên gây ra tình trạng tích nước, tích mỡ khiến cơ thể ì ạch, gây tăng cân và một số bệnh lý khác.
Một mẹo khi chọn khoai tây chiên là nếu bao bì ghi "hydrogenated" hoặc "partially-hydrogenated oil", sản phẩm đó chứa chất béo chuyển hóa.
Cuốn sách về dinh dưỡng và lối sống
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.