Những thói quen kém lành mạnh làm vòng 2 của đàn ông nhanh chóng tích tụ mỡ thừa.
Thường xuyên hút thuốc lá: Tạp chí PloS cho biết những người hút thuốc dễ bị mỡ bụng, mỡ nội tạng. Hút thuốc làm mỡ có xu hướng di chuyển vào vùng bụng. Khi người hút thuốc bị tăng cân, họ có số đo vòng 2 lớn hơn người không hút thuốc. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ cũng cao hơn. Ảnh: Exercise To Reduce Tummy.
Nạp nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat): Theo Men's Health, chất béo chuyển hóa mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe đường ruột. Loại chất béo này góp phần tích cực gia tăng kích thước vòng eo. Trong nghiên cứu kéo dài 6 năm tại Đại học Wake Forest (Bắc Carolina, Mỹ), các nhà khoa học cho 2 nhóm khỉ ăn thực đơn khác nhau. Nhóm có chế độ ăn 8% chất béo chuyển hóa mang nhiều hơn 33% mỡ bụng so với nhóm có chế độ ăn 8% chất béo không bão hòa đơn. Ảnh: PC Medical Info, Medical Daily.
Ăn uống kém lành mạnh: Thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, soda, nước trái cây tổng hợp dễ gây tăng cân. Chúng còn làm chậm quá trình trao đổi chất, giảm khả năng đốt cháy chất béo. Ngoài ra, chế độ ăn ít protein, nhiều tinh bột qua tinh chế cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng. Ảnh: The Healthy Employee.
Uống nhiều rượu bia: Tiêu thụ rượu quá mức gây ra nhiều vấn đề lo ngại về sức khỏe, bao gồm bệnh gan và viêm nhiễm. Theo báo cáo đăng trên tạp chí Current Obesity Reports, thói quen uống nhiều bia rượu khiến nam giới dễ tăng cân quanh bụng. Khi uống bia rượu, cơ thể bạn sẽ đốt cháy chất cồn thay chất béo, dẫn đến mỡ thừa tích tụ nhanh chóng. Ảnh: FamilyDoctor.
Đường ruột chứa ít vi khuẩn có lợi: Lợi khuẩn mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chúng sản xuất hormone, điều chỉnh hệ thống miễn dịch, kiểm soát sự thèm ăn… Thói quen ăn uống không đúng cách, dùng nhiều thuốc kháng sinh khiến mật độ lợi khuẩn bị giảm sút. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phân tích mẫu phân từ những người bị béo bụng. Họ phát hiện vi khuẩn đường ruột của nhóm đối tượng này ít đa dạng. Ảnh: Liver Doctor.
Ít vận động: Theo Medical News Today, nếu tiêu thụ calories nhiều hơn mức đốt cháy, chúng ta sẽ tăng cân. Lối sống ít vận động, không tập thể dục khiến mỡ thừa, đặc biệt ở xung quanh bụng khó bị loại bỏ. Ảnh: Stanford Medicine.
Căng thẳng kéo dài: Một loại hormone steroid có tên cortisol giúp chúng ta kiểm soát và đối phó căng thẳng. Khi ở tình huống nguy hiểm hoặc áp lực cao, cơ thể sẽ tiết ra cortisol. Khi nồng độ cortisol ở mức cao, nó sẽ kích hoạt giải phóng insulin. Mọi người có xu hướng tìm kiếm thức ăn để cảm thấy thoải mái khi bị căng thẳng. Đây là nguy cơ tích tụ mỡ thừa quanh bụng và các khu vực khác. Ảnh: LoveToKnow Stress Management.
Ngủ ít: Tạp chí Journal Of Clinical Sleep Medicine cho biết có sự liên hệ giữa việc tăng cân và thời gian ngủ ngắn. Chất lượng giấc ngủ kém, thời lượng ngủ ít đều góp phần phát triển mỡ bụng. Ngủ không đủ giấc dễ dẫn đến hành vi ăn uống không lành mạnh, ví dụ ăn đêm, ăn theo cảm xúc… Ảnh: Harvard Health Publishing.