Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

8.0 IELTS, ra nước ngoài vẫn khủng hoảng khi nói tiếng Anh

Dù đạt điểm cao trong các bài thi tiếng Anh chuẩn hóa, nhiều bạn trẻ vẫn gặp rắc rối khi sử dụng ngôn ngữ này lúc đi du học.

Du học sinh Việt vẫn chật vật khi du học dù có chứng chỉ tiếng Anh điểm cao. Ảnh: Pexels.

Ngay từ thời phổ thông, Trung Sơn (sinh năm 2001) đã chú ý rèn luyện, trau dồi ngoại ngữ. Trước khi du học tại Anh, Sơn đạt 6.5 IELTS và khá tự tin vào vốn tiếng Anh của mình. Thế nhưng, những ngày đầu ở nước bạn, nam sinh không khỏi bất ngờ khi giao tiếp với người bản xứ.

“Khi ở Việt Nam, mình đã xem và nghe giọng của người bản địa thông qua các video. Thế nhưng, khi sang Anh, mọi người nói chuyện với nhau, mình rất khó nghe được họ nói gì", Trung Sơn cho hay.

“Kiếp nạn" giao tiếp tiếng Anh

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Sơn cho biết cậu tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ nhỏ. Nam sinh cũng có cơ hội giao tiếp thực tế với các bạn người nước ngoài trong thời gian tham gia câu lạc bộ bóng đá. Thế nên, Sơn tự tin vào khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khi sang Anh, việc giao tiếp lại hoàn toàn khác. Sơn cho hay nói chuyện với người bản địa, cậu vẫn hiểu được phần nào họ nói gì. Nhưng khi người bản địa nói chuyện với nhau, cậu thường không nghe kịp.

du hoc sinh viet nam anh 1

Thời gian đầu đến Anh, Trung Sơn vẫn gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và học tập. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, khi lên lớp, giảng viên của Sơn đến từ nhiều nước khác nhau nên giọng tiếng Anh của họ cũng khác nhau. Nhiều lần, Sơn phải hỏi lại hoặc đoán xem họ nói gì.

“Không phải lúc nào mình cũng hỏi lại thầy cô hoặc các bạn được. Vậy nên, mình phải dùng cách đoán và tra từ điển từ đó để hiểu”, Sơn tâm sự.

Không riêng Sơn, Tiến Quốc (sinh năm 2004, du học sinh tại Pháp) cũng gặp trở ngại khi giao tiếp tiếng Anh. Dù IELTS đạt 8.0, thậm chí điểm nghe 9.0 và nói 7.0, Quốc vẫn “choáng" với giọng Anh - Pháp. Nhiều khi, nam sinh “đứng hình" mất vài giây để nghĩ xem họ nói gì.

Cậu nói rằng nhiều người Pháp biết tiếng Anh, nhưng họ không muốn nói tiếng Anh, hoặc vốn tiếng Anh của nhiều người cũng hạn chế.

“Mình nhận ra nếu mình nói tiếng Anh quá chuẩn, đúng ngữ pháp như khi thi IELTS, người Pháp cũng không hiểu mình nói gì”, Quốc cho biết nhiều lúc, cậu phải nói chậm lại từng chữ, sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhất, thậm chí sai cả ngữ pháp để người bản địa hiểu mình nói gì.

Phạm Uyên (sinh năm 2000, du học sinh Canada) cũng gặp “kiếp nạn” với tiếng Anh khi đi du học. Trước khi đến Canada theo đuổi ngành Khoa học máy tính, Uyên từng thi TOEFL và SAT nên khá tự tin với vốn tiếng Anh của bản thân. Nhưng khi nhập học, cô vẫn bị sốc vì đôi khi không kịp nghe hiểu.

Vào năm nhất, một số giảng viên của Uyên không phải người bản xứ nên cách nói tiếng Anh của họ khá nặng và khó nghe. Hơn nữa, cách giảng bài của họ cũng khá “lòng vòng” nên nếu sinh viên nghe chưa quen sẽ cảm thấy rất khó hiểu. Nhiều lần, nữ sinh phải ghi âm lại bài giảng để mang về nhà nghe lại, vừa luyện nghe vừa tránh tình trạng để sót thông tin giảng viên cung cấp.

Điểm TOEFL của Uyên nếu quy đổi thành IELTS thì tương đương 7.0-7.5 song nhiều khi cô vẫn gặp khó khăn với từ mới vì chưa được học ở Việt Nam bao giờ. Do học ngành đặc thù, nhiều khái niệm lạ, Uyên cũng khá chật vật để nghe và hiểu từ mới.

Thời gian đầu khi học đại học, Uyên vẫn có thói quen nghe tiếng Anh rồi tự dịch thành tiếng Việt trong đầu. Nhận thấy cách này gây mất thời gian và ảnh hưởng việc học, cô bắt đầu học cách suy nghĩ mọi thứ bằng tiếng Anh, cố gắng trau dồi vốn từ mới để không bỡ ngỡ với các bài giảng.

Còn về việc giao tiếp thường ngày, Uyên không gặp quá nhiều khó khăn vì cô sống ở vùng nhiều người châu Á và người bản địa, cách nói tiếng Anh của họ khá rõ ràng, dễ hiểu. Hơn nữa, người Canada cũng không sử dụng quá nhiều thuật ngữ hoặc từ lóng như người Mỹ nên Uyên may mắn không gặp trở ngại khi đi mua đồ hay sử dụng dịch vụ.

“Mình sống cùng nhà với các bạn người Việt Nam, đi đâu cũng có nhau, lại còn học chung lớp nên nhìn chung thời gian đầu có khó khăn thật, nhưng sau đó, mình đã ổn hơn. Nếu nghe giảng tiếng Anh có chỗ nào chưa hiểu, chúng mình có thể giúp đỡ nhau luôn”, Uyên tâm sự.

du hoc sinh viet nam anh 2

Du học sinh cần thời gian để thích nghi với cách sử dụng tiếng Anh ở nước ngoài. Ảnh: Pexels.

IELTS cao cũng không có ích khi giao tiếp thực tế?

Bàn về việc du học sinh có chứng chỉ tiếng Anh điểm cao nhưng vẫn vật vã khi sống ở nước ngoài, Phạm Uyên nói rằng điều này không quá khó hiểu. Nữ sinh lý giải các bài thi tiếng Anh có thể đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh, nhưng chưa thể đánh giá ở tất cả bối cảnh sử dụng.

Hơn nữa, với các du học sinh Việt - những người sống ở Việt Nam, chưa quen văn hóa châu Âu, châu Mỹ - các bạn vẫn có thể bị sốc văn hóa về mặt ngôn ngữ vì người bản địa sẽ sử dụng nhiều tiếng lóng, hoặc đơn giản là họ sử dụng tiếng địa phương nên cách phát âm, nhấn nhá sẽ lạ hơn tiếng Anh phổ thông mà học sinh vẫn thường được học.

Phạm Uyên lấy ví dụ ở Việt Nam, cách phát âm của từng vùng, miền có sự khác biệt. Thậm chí trong cùng một tỉnh, thành phố, người ở vùng này cũng có cách nói chuyện, sử dụng từ ngữ khác với vùng kia.

Còn về việc du học sinh gặp khó khăn khi nghe giảng ở trường đại học. Uyên nói rằng việc các bạn nghe giảng không hiểu không phải do kém tiếng Anh mà chương trình bậc đại học sử dụng nhiều từ mới chưa từng học đến. Mỗi ngành, mỗi môn học lại có hàng loạt từ mới riêng, buộc sinh viên phải học, nghiên cứu kỹ mới hiểu được bản chất từ đó và dễ dàng sử dụng.

“Nhiều khi, mình nghe từng chữ thì hiểu, nhưng ghép lại cả câu thì lạ lắm vì còn phụ thuộc vào ngữ cảnh khi sử dụng từ. Mình thấy điều này cũng giống như học đại học ở Việt Nam thôi, ví dụ các môn đại cương, sinh viên có thể đọc được những từ trong giáo trình nhưng đôi khi lại không hiểu hết ý nghĩa của phần nội dung đó”, Uyên nêu ví dụ.

Trong khi đó, Trung Sơn cho rằng khi học IELTS, nhiều người thường học kiểu luyện thi, ôn đề. Điều đó phần nào khiến việc học tiếng Anh bị rập khuôn, nhất là phần nghe - nói.

Nhưng trong thực tế du học, các bạn không chỉ dùng tiếng Anh để giao tiếp, làm bài thi mà còn phải xử lý vấn đề, trao đổi, bàn luận…

“Mình không phủ nhận tầm quan trọng của việc học - thi IELTS. Nó sẽ cho mình nền tảng nhất định. Nhưng trong thực tế, việc sử dụng tiếng Anh vượt ra khỏi bài thi này”, Sơn nói thêm.

Đồng quan điểm, Tiến Quốc cũng cho rằng khi học - thi IELTS, việc luyện kỹ năng thường nhằm mục đích để đạt điểm cao. Nhất là bài thi nói, thí sinh thường dự đoán đề và học theo các dạng có sẵn, hạn chế câu trả lời.

Trong khi đó, giao tiếp thực tế lại tập trung vào việc truyền đạt thông điệp, yêu cầu tương tác và linh hoạt.

“IELTS chỉ là bài thi học thuật và điểm cao chỉ đánh giá phần nào về khả năng sử dụng tiếng Anh. Còn để hòa nhập tự nhiên với người bản địa, chúng mình vẫn cần trau dồi nhiều hơn bên ngoài bài thi này", Quốc chia sẻ.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Phụ huynh đầu tư cả ‘núi’ tiền, con vẫn chỉ bập bẹ vài chữ tiếng Anh

Nhiều phụ huynh đau đầu vì đầu tư tiền cho con học tiếng Anh ở trung tâm hay lớp học thêm nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ của con vẫn không được cải thiện.

Thái An - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm