Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

81 học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn

Trong 2 ngày, 1.500 trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được cha mẹ đưa về Hà Nội xét nghiệm sán lợn, trong số đó có 81 em dương tính.

'4h sáng phòng khám đã chật kín người chờ xét nghiệm sán lợn' Một phụ huynh ở Bắc Ninh chia sẻ đưa con đi từ 4h sáng để chờ xét nghiệm sán lợn. Khi đến, phóng khám tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương đã chật kín người.

Thông tin 62 trẻ tại tỉnh Bắc Ninh dương tính với sán lợn khiến hàng nghìn gia đình có con nhỏ ở địa phương này lo lắng. Sáng 16/3, hơn 1.200 gia đình đã đưa con xuống Viện Sốt rét Ký sinh trùng Công trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để thăm khám, xét nghiệm.

Thêm 19 trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn

BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, số lượng trẻ ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn đã tăng lên 19 trường hợp. Tích lũy sau nhiều ngày, tổng số bệnh nhi dương tính là 81 em. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vì nhiều bệnh nhi chưa nhận được kết quả.

Ông nhận định số lượng bệnh nhân đăng ký khám là hơn 500 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng thực làm xét nghiệm ít hơn vì có trường hợp bố mẹ đăng ký khám sau đó chuyển sang viện khác.

GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho hay, số lượng bệnh nhân tới làm xét đông là do phụ huynh quá lo lắng, đổ xô đi làm xét nghiệm.

Làm gì sau khi dương tính với sán lợn?

Theo bác sĩ Thiều, hiện tại, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương  và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang thực hiện điều tra sàng lọc bệnh nhân. Trường hợp dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm để xác định nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.

Đối với người nhiễm sán trưởng, việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán.

Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở não, cơ. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày.

“Trẻ có xét nghiệm ELISA dương tính với sán lợn sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh phải chụp CT hoặc cộng hưởng từ”, bác sĩ Thiều cho biết.

Nguyên nhân lây nhiễm sán lợn?

Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, cho hay viện đã kết nối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của tỉnh Bắc Ninh.

Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về cho con uống, không nhất thiết phải nhập viện. Bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm.

Hiện, cơ quan này chưa cung cấp thông tin cụ thể. Tuy nhiên, những vùng có lưu hành ấu trùng sán lợn, khi người dân ăn thực phẩm không vệ sinh đều có nguy cơ mắc bệnh.

Sau vụ việc này, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sẽ làm báo cáo gửi Cục Y tế dự phòng và sớm có buổi về điều tra tại địa bàn về thú y và y tế để tìm nguyên nhân nguồn lây.

Đối với khả năng nguồn lây từ thực phẩm thịt lợn có sán, ông Thiều cho biết: "Nếu ăn thịt lợn có sán và chưa được nấu chín, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tùy mỗi người có sức đề kháng khác nhau dẫn tới việc mắc bệnh hay không. Có những trường hợp chỉ ăn một lần có trứng sán lợn là có thể nhiễm bệnh".

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết ký sinh trùng này nằm trong đất, nước, thậm chí trong thực phẩm nên có nhiều nguồn lây. Thông thường, tỷ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng dân cư rất thấp, việc tại một khu vực có tỷ lệ cao bất thường cũng cần được quan tâm.

Sán lợn nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng, cho biết nhiễm sán dây lợn (ấu trùng sán gạo heo) có thể xảy ra khi ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.

Bác sĩ Ánh phân tích sau khi lợn ăn phải ấu trùng sán, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. 24-72 giờ kể từ khi ăn phải, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài.

Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm.

“Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm”, bác sĩ Ánh thông tin.

Sán gạo heo là bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não... Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Tùy từng vị trí sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Ở da: Các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay, sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X quang.

Ở não: Biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử.

Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.

Ở cơ tim: Làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.

Ấu trùng sán dây lợn sẽ ở dưới âm 20 độ C. Ở âm 20 đến O độ C, nó sống được gần 2 tháng và trong nhiệt độ phòng thí nghiệm sống được 26 ngày. Do đó, nếu muốn dùng thịt sống, người dùng phải ướp thịt ở âm 10 độ C trong 4 ngày mới bảo đảm. Nhiệt độ 50-60 độ C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.

Bác sĩ Ánh khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; nên ăn chín, uống sôi, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Không nuôi lợn thả rông. Khi mua thịt ngoài chợ phải quan sát miếng thịt, nếu có các dấu hiệu lạ như nổi u, có đốm trắng, tuyệt đối không mua. Bệnh nhân nghi nhiễm sán cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Bệnh sán lợn nguy hiểm như thế nào khi gây biến chứng nghiêm trọng? Ít nhất 55 tỉnh thành ghi nhận bệnh sán lợn. Đây là ký sinh trùng nguy hiểm, có khả năng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.

Từ cuối tháng 2, clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt.

Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán lợn. 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.

Tại bệnh viện, các bệnh nhi phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu và phân để chẩn đoán bệnh. Tổng chi phí cho mỗi lần khám và xét nghiệm hơn một triệu đồng.

Ngày 15/3, thông tin từ Viện Sốt rét Ký sinh trùng Công trùng Trung ương, cho thấy 44/173 trường hợp có biểu hiện từng bị nhiễm sán lợn. Con số này ở Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương là 13/135 bé (sinh năm 2010 đến 2017). Tích lũy số học sinh tỉnh Bắc Ninh đã xét nghiệm sán lợn đến ngày 15/3, tổng số bệnh nhi dương tính là 62 trường hợp.

Dấu hiệu nào chứng tỏ cơ thể đã nhiễm sán lợn?

Nếu không kịp điều trị, bệnh sán lợn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh để tránh hậu quả đáng tiếc.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm