Năm 2022, số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đông nhất từ trước đến nay. Không chỉ tăng về số lượng thí sinh đăng ký dự thi mà các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này trong xét tuyển đầu vào cũng tăng với hơn 80 trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Đợt một, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại 80 điểm thi ở 17 địa phương, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Trong đó, TP.HCM có 32 điểm thi, khu vực miền Trung có 18 điểm thi, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 19 điểm thi, khu vực miền Tây có 11 điểm thi.
Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng để xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Đợt 2, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tổ chức vào ngày 22/5, trước kỳ thi THPT khoảng một tháng tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang.
Cùng 2 đợt thi đánh giá năng lực là 2 đợt đăng ký xét tuyển khác nhau. Các thí sinh có thể dự thi cả hai 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng để xét tuyển.
Thí sinh sẽ thực hiện bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 150 phút.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có 3 phần. Trong đó phần ngôn ngữ có 20 câu hỏi Tiếng Việt và 20 câu hỏi Tiếng Anh, phần Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu có 30 câu hỏi, phần giải quyết vấn đề có 50 câu.