5 năm sau cuộc phẫu thuật kéo dài chân tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Nguyễn Gia Tuấn Minh (1989, Thanh Hóa) rất tự tin với chiều cao mới. Tuấn Minh cho biết cuộc sống đã đổi thay rất nhiều sau khi chiều cao tăng thêm 7 cm.
Dưới đây là chia sẻ của chàng trai này về quá trình phẫu thuật cùng Zing.vn:
Tôi sinh ra trong gia đình có 3 chị em, chị gái và em trai đều có chiều cao “khủng”, riêng tôi chỉ cao 1,63 m nên khá tự ti, nhút nhát và sống hướng nội. Vì vậy, tôi luôn khao khát được cải thiện chiều cao của mình.
Năm 2010, tôi vô tình biết được kỹ thuật kéo dài chân và quyết định thực hiện, song lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ bố. Thậm chí, bố còn tuyên bố sẽ ly hôn và từ mặt vợ con nếu tôi kéo dài chân. May mắn, mẹ tôi thấu hiểu sự tự ti của con nên bất chấp lời “dọa nạt” của chồng, ủng hộ tôi bước vào cuộc đại phẫu.
Sau khi tiến hành phẫu thuật, Tuấn Minh mất một năm để phục hồi chức năng. Ảnh: NVCC. |
Quá trình phẫu thuật và phục hồi chức năng
Cuối tháng 2/2010, tôi quyết định đến Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiến hành phẫu thuật.
Khi tỉnh dậy, tôi đã nằm trong phòng hậu phẫu với chiếc đinh và bộ khung lắp cố định vào hai phần cẳng chân. Tuy nhiên, 2-3 ngày sau đó, tôi thường xuyên bị nôn và cảm thấy mệt mỏi. Tôi phải uống kháng sinh, thuốc giảm đau, phù nề.
10 ngày sau, bác sĩ tiến hành căng giãn khung và hướng dẫn để tôi tự vận hành khung để căng giãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau đó, tôi được ra viện điều trị ngoại trú thực hiện tự căng giãn theo hướng dẫn, 1 mm/ngày.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật kéo dài chân và kéo giãn xương hàng ngày đau đớn hơn như nhiều người lầm tưởng. Mục tiêu của tôi là cao thêm 8 cm, song khi kéo dài xương 6 cm, tôi cảm thấy đau đớn thực sự. Đó là cảm giác hai chân đau mỏi mọi lúc mọi nơi. Do đó, dù chỉ còn 10 ngày là hoàn thành mục tiêu, tôi đành dừng lại ở 7 cm.
Ngoài ra, trong suốt thời gian đeo khung và tự kéo giãn hàng ngày, định kỳ hàng tháng, tôi phải tái khám lâm sàng và đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp X-quang nên rất bất tiện.
Trong một năm sau khi tiến hành kéo dài chân tôi vẫn nhớ như in cảm giác những ngày chập chững tập đứng, tập đi - vừa lo sợ lẫn háo hức, hồi hộp. Hai tháng sau khi phẫu thuật tháo khung lần cuối, tôi đã tự đi xe máy và leo núi cùng bạn bè.
Hiện tại, chiều cao của tôi là 1,7 m và di chuyển bình thường và không gặp biến chứng. Hàng tuần, tôi vẫn tham gia đá bóng cùng các bạn.
Về kỹ thuật phẫu thuật kéo dài chân, PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất kéo dài chiều cao cho người hết độ tuổi phát triển.
Để kéo dài chân, trước khi cắt xương, các bác sĩ đặt một chiếc đinh trong ống tủy xương, chỉ sử dụng 4 đinh nhỏ xuyên qua 2 đầu xương. Khi kéo giãn đủ chiều dài, khung sẽ được tháo bỏ. Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc. Sau khi hồi phục, bệnh nhân được phẫu thuật lần cuối để tháo đinh.
PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết, về lý thuyết, muốn kéo dài chân bao nhiêu tùy ý, theo nhu cầu bệnh nhân. Tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hàng năm, PGS Đoàn cùng các đồng nghiệp thực hiện ít nhất 10 ca kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, nam chiếm nhiều hơn nữ.
Đặc biệt, phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại bình thường.